09/12/2021 - 08:19

Trung Quốc thay đổi cách tiếp cận châu Phi 

Sau 2 thập niên mạnh tay viện trợ tài chính cho châu Phi, Trung Quốc đang cân nhắc lại chiến lược tiếp cận lục địa đen trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chưa có hồi kết và cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng tại khu vực ngày càng gay gắt. Theo đó, Bắc Kinh cắt giảm các cam kết về tài chính trong khi thúc đẩy chính sách ngoại giao vaccine.

Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu trực tuyến tại FOCAC hôm 29-11. Ảnh: AFP

Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu trực tuyến tại FOCAC hôm 29-11. Ảnh: AFP

Trong bài phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) do Senegal tổ chức hôm 29-11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Bắc Kinh sẽ cung cấp 1 tỉ liều vaccine phòng COVID-19 cho châu Phi, trong bối cảnh toàn cầu lo ngại về sự xuất hiện của biến thể Omicron. Trong đó, 600 triệu liều sẽ được Trung Quốc gửi trực tiếp, 400 triệu liều còn lại sẽ do các nước châu Phi và các công ty Trung Quốc cùng sản xuất. Ông Tập cũng cho biết Trung Quốc sẽ cử 1.500 nhân viên y tế đến giúp châu Phi đối phó với đại dịch. “Chúng ta phải tiếp tục cùng nhau chiến đấu chống lại COVID-19. Chúng ta phải ưu tiên bảo vệ người dân và thu hẹp khoảng cách tiêm chủng”- ông Tập nhấn mạnh.

Ngoài ra, nhà lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng cam kết hỗ trợ 40 tỉ USD cho lục địa này, giảm đáng kể so với mức 60 tỉ mà ông từng hứa tại 2 hội nghị thượng đỉnh được tổ chức trước đó, đồng thời tuyên bố sẽ thành lập một trung tâm tài chính xuyên biên giới để cung cấp cho các tổ chức tài chính châu Phi hạn mức tín dụng 10 tỉ USD. Bên cạnh đó, Bắc Kinh sẽ cung cấp 10 tỉ USD để hỗ trợ lĩnh vực xuất khẩu của châu Phi, tạo ra khu vực hợp tác kinh tế và thương mại cũng như xây dựng khu công nghiệp Trung Quốc - châu Phi.

Giới phân tích cho rằng sự thay đổi trong cách tiếp cận châu Phi cho thấy Bắc Kinh đang cân nhắc lại chiến lược tổng thể của nước này tại khu vực vào thời điểm COVID-19 diễn biến vô cùng phức tạp cùng với sự cạnh tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc không có dấu hiệu hạ nhiệt. “Thật ra, việc ông Tập giảm cam kết tài chính đối với châu Phi không có gì đáng ngạc nhiên, bởi chúng tôi đã nhận thấy một số dấu hiệu trong vài năm qua. Trung Quốc đã bước vào giai đoạn thận trọng hơn đối với châu Phi. Sau 2 thập niên mạnh tay chi, Bắc Kinh đang bắt đầu kéo phanh” - Lina Benabdallah, chuyên gia về các vấn đề quốc tế tại Đại học Wake Forest ở Bắc Carolina (Mỹ), cho biết.

Động thái trên được xem là lời đáp đối với những chỉ trích lâu nay của phương Tây rằng Bắc Kinh đang tạo ra “bẫy nợ” và lợi dụng châu Phi để khai thác tài nguyên thiên nhiên và xuất khẩu hàng hóa giá rẻ. “Bắc Kinh nhạy cảm với những lời chỉ trích đó và đang phản ứng bằng cách áp dụng các công cụ mà họ biết sẽ làm hài lòng và xóa tan những quan điểm tiêu cực đối với họ trong quá khứ. Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi của Trung Quốc trong cách tiếp cận kỹ trị hơn, cẩn trọng hơn; sử dụng điều kiện mềm mỏng và tạo ra các công cụ mới để kiểm soát các dòng chảy chặt chẽ hơn” - Carlos Lopes, chuyên gia tại Đại học Cape Town (Nam Phi), nhận định.

Carlos Oya, chuyên gia về quan hệ Trung Quốc - châu Phi tại Đại học Luân Đôn (Anh) cho rằng nếu việc Trung Quốc hỗ trợ vaccine cho châu Phi thực sự góp phần vào việc chấm đứt dần COVID-19 trên toàn thế giới, thì đây có thể là một thành tựu quan trọng. Về phần mình, Chris Alden, Giám đốc tổ chức tư vấn về chính sách đối ngoại LSE Ideas, cho rằng với sự thay đổi trên, Trung Quốc muốn tạo được lòng tin đối với các nước trong khu vực, đồng thời thể hiện năng lực sản xuất và cung cấp vaccine trên khắp châu Phi, từ đó sẽ mở ra nhiều cơ hội thị trường hơn cho ngành dược phẩm Trung Quốc.

Đây không phải là lần đầu Chủ tịch Tập tuyên bố hỗ trợ vaccine cho châu Phi. Trước đó, Trung Quốc hồi cuối tháng 2 cũng cam kết cung cấp vaccine cho 19 quốc gia tại khu vực. Cho đến nay, 46 quốc gia châu Phi đã nhận vaccine từ Trung Quốc. Tuy nhiên, thời gian qua dư luận nghi ngờ về ngoại giao vaccine của Trung Quốc. Trong số 155 triệu liều cam kết cho châu Phi cho đến nay, Bắc Kinh đã giao 107 triệu liều, mà chỉ 16 triệu liều là thuộc diện viện trợ. Trong khi đó, đến thời điểm này Mỹ đã viện trợ 100 triệu liều vaccine không kèm theo điều kiện ràng buộc cho châu Phi.

HOÀNG NAM (Theo Guardian, ABC News)

Chia sẻ bài viết