Cùng với sự hiện diện kinh tế ngày càng tăng tại châu Phi, Trung Quốc được cho đang tận dụng các cuộc tập trận quân sự với các lực lượng khu vực này để thúc đẩy năng lực viễn chinh và tham vọng địa chiến lược của Bắc Kinh.
FOCAC không chỉ là sáng kiến thương mại
Cuộc tập trận quân sự mang tên “Hòa bình Thống nhất 2024” giữa Trung Quốc với Tanzania và Mozambique từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8 vừa qua đánh dấu sự mở rộng đáng kể hoạt động của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tại châu Phi. Theo tờ Africa Center, trong cuộc tập trận, khoảng 1.000 quân từ các lực lượng bộ binh, hải quân, không quân và thủy quân lục chiến của PLA đã tiến hành huấn luyện trên bộ, trên biển và diễn tập bắn đạn thật với các binh sĩ Tanzania và Mozambique. Khoảng 20 loại vũ khí và thiết bị, gồm vũ khí hạng nhẹ, pháo hạng nặng, máy bay không người lái siêu nhỏ, nhiều loại xe trinh sát và bộ binh, tham gia cuộc tập trận. Cuộc tập trận cho thấy sự cải thiện của PLA trong việc triển khai bộ binh, thiết giáp, pháo binh và các đơn vị hỗ trợ từ khoảng cách xa; nhấn mạnh tầm quan trọng của châu Phi như là một địa điểm thử nghiệm sức mạnh, khả năng sẵn sàng cũng như khả năng tác chiến của PLA.
Binh sĩ Trung Quốc, Tanzania và Mozambique tham gia cuộc tập trận Hòa bình Thống nhất 2024. Ảnh: CCTV
Thật ra, Hòa bình Thống nhất 2024 chỉ là một phần trong tầm nhìn địa chiến lược của Trung Quốc. Được ban hành vào năm 2000, chiến lược “Đi ra toàn cầu” là một sáng kiến của Trung Quốc nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước di dời ra nước ngoài, đảm bảo thị trường và nguồn lực mới. Nó đặt nền móng cho các sáng kiến do Bắc Kinh dẫn đầu như Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC), sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)”.
Khi FOCAC được thành lập vào năm 2000, Trung Quốc không có bất kỳ lực lượng gìn giữ hòa bình nào ở châu Phi và tụt hậu rất xa so với Mỹ và châu Âu trong việc huấn luyện sinh viên, chuyên gia dân sự và quân sự châu Phi. Trung Quốc không có chính sách hỗ trợ an ninh tại khu vực cũng như vắng bóng trong các cuộc tranh luận về an ninh ở châu Phi.
Song, hoạt động triển khai ở nước ngoài lớn nhất của PLA hiện là ở châu Phi. Đơn vị này duy trì các đội tàu hải quân liên tục tại khu vực, có nhiều quân nhân tham gia các phái bộ của Liên Hiệp Quốc (LHQ) hơn bất kỳ thành viên trường trực nào khác của Hội đồng Bảo an LHQ, cũng như huấn luyện nhiều sinh viên, chuyên gia dân sự, quân sự và thực thi pháp luật châu Phi hơn.
Mặc dù ban đầu là một sáng kiến về thương mại, FOCAC ngày càng mang tính quân sự. Ngoài phân bổ các hạn ngạch huấn luyện quân sự, xây dựng năng lực gìn giữ hòa bình cũng như chống khủng bố, FOCAC thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại an ninh, chẳng hạn như Diễn đàn An ninh và Hòa bình Trung Quốc - châu Phi hay Diễn đàn Cảnh sát và Thực thi pháp luật Trung Quốc - châu Phi, nơi điều hành một quỹ cho Lực lượng trực chiến châu Phi của Liên minh châu Phi và thúc đẩy các chuẩn mực an ninh của Trung Quốc như Sáng kiến An ninh Toàn cầu.
Nhịp độ các cuộc tập trận ngày càng tăng
Giới phân tích cho rằng sự tham gia ngày càng tăng của PLA vào FOCAC cho thấy Bắc Kinh muốn quân sự hóa một số khía cạnh trong chính sách châu Phi. Theo cơ sở dữ liệu của Trung tâm nghiên cứu các vấn đề quân sự Trung Quốc thuộc Đại học quốc phòng Mỹ, kể từ năm 2000, các lực lượng vũ trang Trung Quốc đã tiến hành 19 cuộc tập trận quân sự, 44 cuộc thăm quân cảng và 276 cuộc trao đổi quốc phòng cấp cao tại lục địa đen. Trung Quốc cũng đã triển khai 24 đội y tế quân sự và dân sự tại 48 quốc gia châu Phi.
Ban đầu, các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc ở châu Phi khá “nhẹ nhàng”, chủ yếu tập trung vào ngoại giao quân sự, định hướng bối cảnh an ninh của châu Phi. “Thiên thần hòa bình” - cuộc tập trận đầu tiên của Trung Quốc tại châu Phi được tổ chức với Gabon năm 2009 về sơ tán y tế nhân đạo là một ví dụ điển hình. Song, các cuộc tập trận của Trung Quốc tại khu vực ngày càng “nặng đô” hơn, tập trung vào việc hình thành hạm đội, chống cướp biển và cứu hộ. Đơn cử là các cuộc tập trận ở Nigeria, Namibia và Cameroon trong năm 2014.
Năm 2017, Trung Quốc đã thiết lập một căn cứ hải quân tại Djibouti, bước tiếp theo trong việc mở rộng năng lực viễn chinh của nước này. Chu kỳ huấn luyện 2018-2019 chứng kiến sự gia tăng tần suất các cuộc tập trận của PLA. Chỉ riêng trong năm 2018, PLA đã tiến hành 6 cuộc tập trận ở châu Phi với Cameroon, Gabon, Ghana, Nigeria (2 lần) và Nam Phi.
Chiến lược quân sự của Trung Quốc tại châu Phi được cho nhằm thúc đẩy mục tiêu của Trung Quốc là đạt được “sự hồi sinh vĩ đại của dân tộc Trung Hoa vào năm 2049”. Trong đó, PLA được giao nhiệm vụ trở thành “lực lượng đẳng cấp thế giới” vào năm 2030 với khả năng chiến đấu và triển khai sức mạnh cần thiết để bảo vệ các lợi ích toàn cầu đang mở rộng của Trung Quốc và giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh trong tương lai gần vùng biển quê nhà.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)