19/08/2021 - 11:43

Trung Quốc muốn khai thác đất hiếm ở Afghanistan? 

Khi Taliban tiến vào thủ đô Kabul hôm 15-8, họ không chỉ chiếm quyền lãnh đạo chính phủ Afghanistan mà còn được kiểm soát các trữ lượng khoáng sản khổng lồ vốn đóng vai trò quan trọng cho nền kinh tế hiện đại của thế giới. Trong đó, Trung Quốc được cho muốn “kết thân” nhanh với Taliban nhằm giành được quyền khai thác nguồn đất hiếm ở Afghanistan.

Ahmad Shah Katawazai, nhà cựu ngoại giao ở Ðại sứ quán Afghanistan tại Mỹ, cho biết trữ lượng khoáng sản và đất hiếm ở Afghanistan ước tính trị giá khoảng 1.000-3.000 tỉ USD vào năm 2020. Theo ông Katawazai, các nguyên tố đất hiếm mà Afghanistan đang sở hữu gồm lanthan, ceri, neodymi cũng như các mạch nhôm, vàng, bạc, kẽm, thủy ngân và lithi, vốn được sử dụng trong sản xuất mọi thứ, từ thiết bị điện tử đến xe điện, vệ tinh và máy bay.

Công nhân làm việc tại một mỏ do Trung Quốc đầu tư ở Afghanistan. Ảnh: CNBC

Với trữ lượng khoáng sản phong phú như trên, Shamaila Khan, giám đốc nghiên cứu nợ thị trường mới nổi tại công ty quản lý tài sản Alliance Bernstein, cảnh báo rằng Taliban có thể bắt đầu khai thác chúng. Do đó, bà Khan kêu gọi cộng đồng quốc tế gây áp lực lên Trung Quốc nếu Bắc Kinh muốn liên minh với Taliban. “Cộng đồng quốc tế nên triển khai một sáng kiến để đảm bảo rằng bất kỳ nước nào đồng ý khai thác khoáng sản tại Afghanistan đều phải tuân thủ các điều kiện nhân đạo nghiêm ngặt. Vì vậy, các nước nên gây áp lực đối với Trung Quốc nếu họ muốn liên minh với Taliban để viện trợ về kinh tế cho chính quyền của phong trào Hồi giáo này” - bà Khan phát biểu với CNBC.

Trong khi đó, do bất ổn chính trị và an ninh ở Afghanistan, nhiều dự án khai khoáng do Trung Quốc đầu tư trong nhiều năm qua đã bị đình trệ hoặc chậm tiến độ. Do đó, sau khi Taliban lên nắm quyền, các công ty và doanh nghiệp Trung Quốc tại Afghanistan cho biết một khi tình hình ổn định, họ hy vọng sớm tái khởi động các dự án hợp tác này.

“Chúng tôi sẽ xem xét tái khởi động các dự án sau khi tình hình ổn định và quốc tế, gồm Trung Quốc, công nhận chế độ Taliban” - Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC Group) trong một tuyên bố cho biết.

Ðược biết, MCC Group hồi tháng 11-2007 đã giành được quyền khai thác trầm tích tại Afghanistan trong vòng 30 năm và hợp đồng đã được ký với Chính phủ Afghanistan vào tháng 5-2008. Nhưng sau nhiều năm, dự án nằm cách thủ đô Kabul hơn 30km này vẫn chưa hoạt động do các vấn đề về an ninh. Một dự án lớn khác cũng bị đình trệ là dự án phát triển 2 mỏ dầu Faryab và Sar-i-pul. Tập đoàn dầu khí quốc doanh Trung Quốc (PetroChina) hồi năm 2011 đã thắng thầu phát triển 2 dự án này với giá 400 triệu USD và đã ký thỏa thuận khai thác kéo dài 25 năm với Afghanistan.

Tương tự, một nhóm các công ty Trung Quốc hồi tháng 5 vừa qua đã được xác định đầu tư 400 triệu USD vào một dự án sản xuất điện bằng than tại Afghanistan nhưng đến nay dự án vẫn chưa được hoàn thiện và nhiều công dân Trung Quốc đã lần lượt rời khỏi Afghanistan sau sự trỗi dậy của Taliban.

Các chuyên gia Trung Quốc tin rằng nếu Afghanistan bước vào kỷ nguyên hòa bình thì cơ hội mới sẽ đến với các doanh nghiệp Trung Quốc. Mullah Abdul Ghani Baradar, người đại diện của Taliban đã hoan nghênh sự tham gia của Trung Quốc tại Afghanistan trước khi phong trào này kiểm soát Kabul hôm 15-8. Nhà đàm phán của Taliban phát biểu với Ngoại trưởng Vương Nghị tại thành phố Thiên Tân hôm 28-7 rằng chính quyền mới ở Kabul sẽ thiết lập môi trường đầu tư bền vững tại Afghanistan, đồng thời hy vọng Bắc Kinh sẽ can dự nhằm mang lại hòa bình cho Afghanistan và đóng vai trò lớn hơn cho tương lai phát triển kinh tế của nước này.

TRÍ VĂN (Theo CNBC, Global Times)

Chia sẻ bài viết