16/06/2020 - 18:50

Trung Quốc hậm hực vì tàu sân bay Mỹ trên Thái Bình Dương 

Việc Mỹ lần đầu tiên trong nhiều năm qua triển khai cùng lúc 3 hàng không mẫu hạm tới Thái Bình Dương lập tức kéo theo phản ứng từ Trung Quốc. Truyền thông quốc tế giải thích động thái của Washington như một lời cảnh báo đối với Bắc Kinh, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước leo thang liên quan đến vấn đề Biển Đông và Đài Loan.

Tàu sân bay Roosevelt rời đảo Guam hôm 4-6. Ảnh: Business Insider

Hãng tin CNN dẫn thông cáo báo chí của Hải quân Mỹ xác nhận 2 tàu USS Ronald Reagan và USS Theodore Roosevelt đang tuần tra ở Tây Thái Bình Dương, còn tàu Nimitz hoạt động ở phía Đông. Với mỗi tàu có thể chứa hơn 60 máy bay, đây là đợt triển khai lớn nhất các hàng không mẫu hạm Mỹ tại Thái Bình Dương kể từ năm 2017, khi căng thẳng với Triều Tiên về chương trình vũ khí hạt nhân lên đến đỉnh điểm. Với 3 tàu sân bay được điều tới Thái Bình Dương, 4 hàng không mẫu hạm còn lại trong đội 7 tàu hoạt động của Mỹ hiện đang bảo dưỡng tại cảng.

Sự hiện diện của bộ ba chiến hạm Mỹ trên biển đã được báo AP đề cập cuối tuần rồi. "Các tàu sân bay và nhóm tác chiến tàu sân bay luôn là những biểu tượng phi thường của sức mạnh Hải quân Mỹ" - Chuẩn đô đốc Stephen Koehler, Giám đốc phụ trách các chiến dịch thuộc Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ ở Hawaii, nhấn mạnh. Vị này cũng cảnh báo Bắc Kinh đang phát triển các tiền đồn quân sự ở Biển Đông, triển khai tên lửa và hệ thống tác chiến điện tử đến đó.

Phản ứng trước thông tin trên, tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc hôm 14-6 viết rằng các tàu sân bay Mỹ có thể đe dọa binh lính ở Biển Đông. "Bằng cách tập trung những tàu sân bay này, Mỹ định chứng tỏ cho toàn khu vực thậm chí cả thế giới rằng họ vẫn là lực lượng hải quân hùng mạnh nhất, vì họ có thể tiến vào Biển Đông..." - báo này dẫn lời Lý Kiệt, chuyên gia về hải quân tại Bắc Kinh, nhận định. Còn theo Ngụy Đông Húc, nhà phân tích quân sự tại Bắc Kinh, sự hiện diện của phi đội chiến đấu cơ trên các tàu sân bay Mỹ có thể xem như là "lời răn đe" đối với Trung Quốc.

Để đối phó, chuyên gia Lý Kiệt "hiến kế" rằng Trung Quốc có thể chống lại động thái của Mỹ bằng cách tăng cường sự sẵn sàng cho chiến tranh và tổ chức các cuộc tập trận tương ứng. Ông này nhấn mạnh ngoài các tàu chiến, máy bay và tên lửa tiêu chuẩn, Bắc Kinh hiện cũng sở hữu "vũ khí sát thủ tàu sân bay" như các tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D và DF-26.

Trong khi đó, chuyên gia Collin Koh tại Viện Các nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng ở Singapore bình luận rằng Trung Quốc phản ứng mạnh trước sự hiện diện của các tàu Mỹ mâu thuẫn với mô tả của nước này về hải quân xứ cờ hoa là một lực lượng đang bị tê liệt vì đại dịch COVID-19. Thực tế, hàng không mẫu hạm Roosevelt đã quay lại biển từ hôm 4-6 sau nhiều tuần đậu ở cảng tại đảo Guam vì dịch COVID-19 bùng phát trên tàu có gần 4.900 thủy thủ này hồi tháng 3 (hơn 1.000 ca nhiễm). Chiếc Reagan với 5.000 thủy thủ thì trở lại biển vào cuối tháng rồi sau khi các thành viên thủy thủ đoàn bị giới hạn di chuyển tại cảng ở Nhật Bản để đảm bảo có thể rẽ sóng mà không có trường hợp nào nhiễm COVID-19.

Mặc dù tàu sân bay tự đóng đầu tiên của Trung Quốc là Sơn Đông đã bắt đầu các cuộc thử nghiệm trên biển trong tháng này, song Bắc Kinh lưu ý Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới có thể triển khai cùng lúc 3 nhóm tác chiến tàu sân bay đến Thái Bình Dương. Đợt triển khai này diễn ra trong bối cảnh chiến lược quốc phòng Mỹ coi Trung Quốc là nỗi lo an ninh hàng đầu. Theo AP, Lầu Năm Góc đang đưa thêm khí tài/nhân lực đến Thái Bình Dương và Đông Nam Á để đối phó với sức mạnh quân sự và ảnh hưởng về kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực.

Từ tháng 4 đến nay, Hải quân và Không quân Mỹ cũng đã liên tục đưa nhiều tàu chiến, oanh tạc cơ và máy bay do thám đến hoạt động tự do hàng hải, tập trận trên Biển Đông, eo biển Đài Loan như là lời nhắc nhở Trung Quốc đừng đánh giá thấp sự quyết đoán của chính quyền Donald Trump trong nỗ lực kiềm chế hành động bá quyền của Bắc Kinh giữa lúc đại dịch COVID-19 gây khó khăn cho các nước trong khu vực.

HẠNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết