28/03/2023 - 23:57

Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào châu Á 

MAI QUYÊN (Theo Nikkei, Australian Financial Review)

Tăng cường đầu tư tại châu Á được xem là một phần nỗ lực của Trung Quốc để giành ảnh hưởng lớn hơn, đặc biệt giữa lúc Mỹ triển khai chiến lược “răn đe tổng hợp” trên khắp Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương.

Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương (trái) cam kết các dự án BRI hoàn thành đúng tiến độ trong cuộc gặp Tổng thống Jokowi tại thủ đô Jakarta hồi tháng 2. Ảnh: Nikkei

 

Điều chỉnh “Vành đai, Con đường”

Theo phân tích của Ðại học Phúc Ðán (Trung Quốc), trọng tâm chương trình viện trợ phát triển cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh thông qua Sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI) đang chuyển sang Ðông Á. Chi tiết này được phản ánh qua việc nguồn vốn cấp cho các dự án BRI ở châu Phi cận Sahara bắt đầu giảm, trong khi đầu tư Trung Quốc rót cho các nước tham gia BRI ở Ðông Á tăng 151% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong danh sách các công trình xây dựng thuộc BRI năm 2022, Philippines dẫn đầu khi nhận 3,3 tỉ USD đầu tư. Một trường hợp đáng chú ý khác ở khu vực là Indonesia, vốn xếp ở vị trí thứ 3 trong danh sách.

Trước đây, Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) nói rõ rằng ông hoan nghênh đầu tư của phương Tây vào các dự án trọng điểm quốc gia, bao gồm tuyến đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung, khu công nghiệp xanh ở Kalimantan và thủ đô mới Nusantara. Trong khi phương Tây còn lưỡng lự trước các công trình được coi là yếu tố quyết định “di sản” của Tổng thống Jokowi, Trung Quốc đã sẵn sàng mở rộng đầu tư vào quốc gia Ðông Nam Á trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng xanh và nền kinh tế kỹ thuật số. Năm ngoái, Indonesia thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kỷ lục 45,6 tỉ USD. Mặc dù Singapore là nhà đầu tư số một (13,3 tỉ USD), nhưng ở quý cuối cùng, Trung Quốc trở thành nhà đầu tư hàng đầu với nguồn vốn từ đại lục và Hong Kong lần lượt góp 8,2 tỉ USD và 5,5 tỉ USD.

Việc Trung Quốc tăng cường tập trung vào nhiều dự án trọng điểm trên khắp khu vực diễn ra cùng lúc Mỹ triển khai chiến lược “răn đe tổng hợp” để đẩy lùi tham vọng của Bắc Kinh. Trả lời phỏng vấn tuần rồi, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương Mỹ John C. Aquilino, cho biết chính sách của Washington là đồng bộ hóa hành động của các hình thức quyền lực quốc gia trên tất cả lĩnh vực. Song song đó là tăng cường phối hợp với đồng minh lẫn đối tác, đảm bảo nỗ lực quân sự bổ sung và hỗ trợ các sáng kiến ngoại giao - kinh tế.

Chiến lược “còn thiếu sót” của Mỹ

Tuy nhiên, giới chuyên môn đánh giá chiến lược của Washington vẫn còn thiếu sự hỗ trợ cho phát triển kinh tế. Ðơn cử như khuôn khổ kinh tế vì sự thịnh vượng Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), Ðô đốc Aquilino xác nhận Mỹ đang hợp tác với 12 quốc gia khác về các khoản đầu tư cần thiết để khuyến khích tăng trưởng kinh tế, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững. Dù vậy, IPEF đến nay bị nhận xét chưa mang lại nhiều kết quả. Ngược lại, Trung Quốc đang đàm phán với thành viên Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN) về việc cập nhật thỏa thuận thương mại tự do có từ năm 2010, mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực kinh tế số và xanh, kết nối chuỗi cung ứng, năng lực cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, từ đó thúc đẩy thương mại, đầu tư và dịch vụ giữa hai bên có bước phát triển mới.

Evan Laksmana, nhà nghiên cứu tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu (Singapore), cho biết việc Mỹ tuyên bố IPEF là một thành công phản ánh tiêu chuẩn chiến lược tham gia kinh tế thấp như thế nào. Bà nói thêm, rằng có giả thuyết là Washington cùng các đồng minh, đối tác coi gia tăng hợp tác quân sự với ASEAN mới đem lại hiệu quả liên kết chiến lược rộng lớn. Theo bà, đây là giả định sai lầm bởi mối quan hệ địa kinh tế trong khu vực hầu như không có gì thay đổi. Nhìn chung, Tiến sĩ Laksmana cho biết khu vực vẫn đang gặp khó khăn trong việc “gỡ rối” ý định của Mỹ. Trong khi đó, ảnh hưởng của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể dựa trên nguồn vốn sẵn sàng từ khuôn khổ BRI.

Theo Giám đốc nghiên cứu chiến lược tại Viện Gentala ở Jakarta, Christine Tjhin, toàn bộ ý tưởng của BRI là tài trợ cho cơ sở hạ tầng cơ bản mà các quốc gia châu Á rất cần, từ đó lấp đầy khoảng trống mà hầu hết các nhà đầu tư phương Tây đã bỏ qua từ lâu. Lấy ví dụ Indonesia, giới chuyên môn không nghĩ rằng Tổng thống Jokowi sẽ thoải mái ủng hộ IPEF bởi những dự án mà Trung Quốc đang tài trợ là dài hạn. Và điều này có thể kéo dài khi các nước khu vực muốn mở rộng cơ sở đầu tư, còn Mỹ và các đồng minh vẫn hành động quá chậm.

Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) năm 2023 đang diễn ra tại tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc.  Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, hội nghị BFA 2023 diễn ra trong 4 ngày, từ 28-31/3, với chủ đề “Một thế giới không chắc chắn: Đoàn kết và Hợp tác để phát triển giữa những thách thức”. Hội nghị BFA năm nay đánh dấu lần đầu tiên Thủ tướng Lý Cường tham dự cương vị người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Anwar Ibrahim, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, Thủ tướng Côte d’Ivoire Patrick Achi và Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva tham dự hội nghị BFA năm nay. Nhân dịp này, theo lời mời của Thủ tướng nước chủ nhà, các nhà lãnh đạo Singapore, Malaysia và  Tây Ban Nha thăm chính thức Trung Quốc.

Chia sẻ bài viết