02/03/2021 - 07:29

Trung Quốc “đau đầu” trước bài toán dân số già 

Từ năm 2016, Trung Quốc đã bỏ chính sách một con, cho phép người dân có 2 con. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng nước này cần có những thay đổi khác để thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh số ca sinh giảm mạnh và dân số già đi nhanh chóng.

Nhân viên y tế Trung Quốc chăm sóc một trẻ sơ sinh chào đời trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Ảnh: CNBC

Nhân viên y tế Trung Quốc chăm sóc một trẻ sơ sinh chào đời trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Ảnh: CNBC

Theo CNBC, nền kinh tế Trung Quốc chủ yếu dựa vào các ngành công nghiệp, chẳng hạn như sản xuất, vốn đòi hỏi lượng lớn lao động giá rẻ. Tuy nhiên, tình trạng dân số ngày càng già đi trong khi tỷ lệ sinh giảm đang khiến Trung Quốc đối mặt với một vấn đề nan giải, đó là năng suất lao động tăng trưởng chậm.

Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc mới đây dự báo, tình trạng già hóa dân số của nước này sẽ trở nên trầm trọng hơn trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 và đang ảnh hưởng sâu sắc tới sự phát triển kinh tế xã hội. Theo cơ quan này, dân số đến tuổi lao động của Trung Quốc liên tục giảm hơn 3 triệu người/năm kể từ năm 2012 và ngày càng giảm mạnh. Dự kiến, trong giai đoạn 2021-2025, số người ở độ tuổi lao động sẽ tiếp tục giảm thêm 35 triệu, trong khi người cao tuổi lại tăng lên hơn 300 triệu. Trước đó, “Báo cáo phát triển Trung Quốc 2020: xu thế phát triển và chính sách già hóa dân số của Trung Quốc” công bố hồi giữa năm 2020 cho thấy, đến năm 2050, nước này sẽ có 380 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm gần 30% dân số, gây áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc sức khỏe và xã hội. Các nhà nhân khẩu học dự đoán rằng theo xu hướng hiện tại, số người trong độ tuổi lao động ở Trung Quốc có thể giảm 200 triệu người vào năm 2050.

Trong khi đó, bất chấp việc Trung Quốc hồi năm 2016 cho phép các gia đình có 2 con sau khi áp đặt chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ, số ca sinh tại đây trong năm 2020 giảm 15% so với năm 2019, chỉ còn 10,48 triệu trẻ. Đây là năm thứ 4 liên tiếp tỷ lệ sinh tại quốc gia đông dân thế giới suy giảm. Một người dùng mạng xã hội Weibo của Trung Quốc so sánh rằng số ca sinh tại nước này trong năm ngoái còn “thấp hơn so với số người tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học”. Một người dùng khác xem tỷ lệ sinh thấp của Trung Quốc là “cuộc khủng hoảng lớn nhất” mà nước này đang phải đối mặt. Theo các chuyên gia, chính chi phí nhà ở và giáo dục cao ở Trung Quốc đã khiến người dân nước này ngại sinh con trong những năm gần đây.

Dan Wang, nhà kinh tế trưởng tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hang Seng, cho rằng để giải quyết các vấn đề do tình trạng già hóa dân số mang lại, chính sách hiệu quả nhất là Trung Quốc nên chào đón lượng lớn lao động nhập cư, tương tự như cách mà Nhật Bản, Hàn Quốc đang áp dụng. Theo bà Wang, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng nên theo đuổi các phương pháp khác, gồm nâng tuổi nghỉ hưu, nâng cao kỹ năng lực lượng lao động hiện có, sử dụng nhiều máy móc và trí tuệ nhân tạo hơn để thay thế nhân công.

Về phần mình, Chính phủ Trung Quốc cũng cho biết việc thực hiện chiến lược đối phó với tình trạng già hóa dân số sẽ là ưu tiên trong kế hoạch 5 năm tới. Theo đó, Bắc Kinh sẽ hỗ trợ tài chính và ban hành các chính sách nhằm khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con.

Ủy ban Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc hồi tháng 1 gây sự chú ý khi đưa ra thông báo cho biết cơ quan này đang nghiên cứu những lợi ích của việc bãi bỏ hạn chế sinh con tại vùng Đông Bắc, khu vực gồm 3 tỉnh có tỷ lệ sinh thấp nhất cả nước và đang vật lộn khó khăn về kinh tế. Cơ quan này sau đó giải thích rằng đây không phải là bước thử nghiệm để hướng tới việc chấm dứt hoàn toàn chính sách kế hoạch hóa gia đình như tin đồn trên các trang mạng điện tử. Tuy nhiên, giới kinh tế nhận định sự thay đổi này chỉ là vấn đề thời gian và có thể diễn ra cuối năm nay.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết