30/03/2023 - 09:45

Trung Quốc chạy đua giải quyết rủi ro tài chính 

MAI QUYÊN (Theo Nikkei, SCMP)

Trong dấu hiệu cho thấy một “cơn bão pháp lý” sắp tới, cơ quan chống tham nhũng hàng đầu của Trung Quốc đã phát động đợt thanh tra mới nhắm vào một số tổ chức tài chính lớn trong nước.

Tòa nhà trụ sở của tập đoàn CIC tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Tòa nhà trụ sở của tập đoàn CIC tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Các cuộc kiểm tra chống tham nhũng ở Trung Quốc thường diễn ra theo chu kỳ 5 năm và đợt ra quân nói trên là hành động đầu tiên của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương dưới thời ban lãnh đạo mới của Quốc hội và Nhà nước Trung Quốc với sự dẫn dắt của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình. Dẫn lời Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Lý Hi, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho biết đợt rà soát mới nhất hướng đến mục tiêu giải quyết những vấn đề nổi cộm trong ngành tài chính.

Theo đó, cuộc điều tra tập trung vào Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB), Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Trung Quốc (ADBC), Tập đoàn China Everbright và Công ty Bảo hiểm Nhân dân Trung Quốc. Khoảng 30 “đại gia” công nghiệp nhà nước, bao gồm China Mobile, Sinopec hay PetroChina cũng bị đưa vào danh sách cần kiểm tra. Cái tên đáng chú ý khác là Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc (CIC). CIC là quỹ đầu tư quốc gia trị giá 1,35 ngàn tỉ USD, kiểm soát một số ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm và môi giới chứng khoán lớn nhất Trung Quốc.

Thông báo của ủy ban chống tham những không cung cấp chi tiết cụ thể về cách thức cuộc điều tra sẽ diễn ra, nhưng chiến dịch có thể được hiểu là “động thái nhằm nâng cao chất lượng và quản lý” tại các công ty nhà nước. Trong một cảnh báo hồi tháng 2, cơ quan chống tham nhũng xác định rõ rằng các chuyên gia tài chính phải từ bỏ việc tự nhận mình là giới tinh hoa. Tuần rồi, tuyên bố tương tự lần đầu tiên xuất hiện trên thông tư do cơ quan quản lý ngân hàng công bố. Theo trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, đã có 8 giám đốc điều hành tài chính hoặc quan chức quản lý bị điều tra kể từ khi đội ngũ lãnh đạo mới nhậm chức gần giữa tháng này.

Năm ngoái, ông Tập tuyên bố chiến thắng trong đợt kiểm tra chống tham nhũng bắt đầu vào năm 2021 khi xử lý ít nhất 20 cơ quan quản lý tài chính, ngân hàng nhà nước, công ty bảo hiểm và quản lý nợ xấu. Song, giới quan sát cho rằng Bắc Kinh dường như chưa hoàn thành công cuộc chấn chỉnh lĩnh vực tài chính.

Theo các nhà chuyên môn, cuộc điều tra đang tiến hành thể hiện sự cấp bách mà dàn lãnh đạo mới của Trung Quốc đối mặt khi tìm cách kiểm soát rủi ro trong lĩnh vực tài chính trị giá 60 ngàn tỉ USD. Bên cạnh đó là mục tiêu phục hồi kinh tế trong năm nay, tăng cường nguồn lực hỗ trợ đổi mới công nghệ và chống lại sự lan rộng của bất ổn quốc tế. Những điều này đã được phản ánh qua các cải cách sâu rộng đối với hệ thống quản lý tài chính mà Trung Quốc công bố trước đó, bao gồm việc thành lập một ủy ban trung ương mới để giải quyết những rủi ro lớn. Ngoài ra còn có một ủy ban điều tiết tài chính quốc gia trực thuộc Quốc vụ Viện, chịu trách nhiệm giám sát các nhóm nắm giữ tài chính và bảo vệ nhà đầu tư thông qua việc tiếp nhận cơ quan giám sát ngân hàng và bảo hiểm; đồng thời đảm trách một số chức năng của ngân hàng trung ương.

Trong một thông báo, Cục quản lý Không gian mạng Trung Quốc cho biết sẽ khởi động chiến dịch trấn áp những “nỗ lực ác ý” gây thiệt hại cho hình ảnh và danh tiếng của các doanh nhân trong nước giữa thời điểm có nhiều quan ngại về lập trường khó lường của Bắc Kinh đối với khu vực tư nhân. Thông báo được đưa ra một ngày sau khi người sáng lập Alibaba, Jack Ma, xuất hiện ở đại lục gần một năm sống ở nước ngoài. Là một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất Trung Quốc, sự vắng mặt của ông Ma khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài e ngại về sự giám sát của Bắc Kinh đối với khu vực tư nhân, dẫn đến việc họ rời khỏi đất nước.
Chia sẻ bài viết