Hôm qua, người dân Israel đã đánh dấu 1 năm ngày phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine tiến hành cuộc tấn công đẫm máu vào lãnh thổ nước này, châm ngòi một cuộc chiến trên diện rộng ở Trung Đông.
Người dân đến thăm địa điểm diễn ra lễ hội âm nhạc Nova ở miền Nam Israel, nơi hàng trăm người tham dự đã bị Hamas giết hại và bắt cóc hồi năm ngoái. Ảnh: AP
Israel ngày 7-10 tuyên bố đã phá âm mưu không kích của Hamas từ Dải Gaza. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết Hamas đã lên kế hoạch phóng loạt rocket quy mô lớn hơn vào Israel trong sáng 7-10 nhưng đã bị Tel Aviv đập tan. Vào thời điểm này năm ngoái, Hamas đã bắn khoảng 4.000 tên lửa vào Israel.
Mở ra nhiều mặt trận
Sáng 7-10-2023, các tay súng Hamas kiểm soát Gaza đã bất ngờ tràn vào miền Nam Israel, giết chết khoảng 1.200 người và bắt hơn 250 người làm con tin.
Kể từ cuộc tấn công của Hamas, các sự kiện ở Trung Đông đã vượt khỏi tầm kiểm soát khi Israel hiện đang phải chiến đấu trên 7 mặt trận tiềm ẩn nguy cơ thổi bùng “chảo lửa” Trung Đông.
Israel phát động một cuộc chiến nhằm tiêu diệt Hamas và giải cứu các con tin. Dữ liệu của Cơ quan Y tế tại Dải Gaza cho thấy các đòn tấn công trả đũa của Israel đến nay đã khiến gần 42.000 người Palestine thiệt mạng và khoảng 1,9 triệu người, tương đương 90% dân số Gaza, phải lánh nạn. Nhiều người hiện sống trong các trại tị nạn với điều kiện thiếu thốn lương thực, nước sạch và thuốc men. Nhiều hoạt động nhân đạo đã được tiến hành nhưng không thể đủ sức giải quyết.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán ngừng bắn đã bị đình trệ do những bất đồng lớn giữa Israel và Hamas.
IDF ngày 7-10 xác nhận rằng 34 trong số 97 con tin còn lại ở Gaza đã chết, trong khi quân đội tiếp tục chiến dịch xóa sổ Hamas và phá hủy năng lực quân sự của nhóm tại dải đất này.
Tuy nhiên, trọng tâm của cuộc chiến ngày càng chuyển hướng lên khu vực biên giới phía Bắc giáp với Lebanon, nơi quân đội Israel đã giao tranh gần như hằng ngày với phong trào Hồi giáo Hezbollah kể từ tháng 10-2023 khi nhóm này bắt đầu nã rocket vào Israel để thể hiện sự đoàn kết với người Palestine ở Gaza.
Trong 2 tuần qua, các cuộc oanh tạc của Israel đã làm chết hơn 1.000 người, đồng thời buộc trên 1 triệu người ở miền Nam Lebanon phải sơ tán.
Hàng loạt vụ ám sát của Israel trong vài tháng qua cũng đã loại bỏ các thủ lĩnh Hezbollah (bao gồm cả Tổng Thư ký Hassan Nasrallah), Hamas và một số tướng lĩnh của Iran. Đây là 2 trong số những lực lượng ủy nhiệm được Iran coi trọng nhất trong “Trục kháng chiến” mà nước này hậu thuẫn.
Những chiến dịch trên đã khiến Israel hứng chịu tới 2 cuộc tập kích tên lửa chưa từng có từ Iran (vào tối 13-4 và 1-10), làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh khu vực với nhiều bên tham gia. Quân đội Israel tuyên bố nước này sẽ đáp trả cuộc tấn công thứ hai của Iran theo cách thức, thời gian và địa điểm do Tel Aviv lựa chọn.
Đáp lại, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi cảnh báo bất kỳ cuộc tấn công nào của Israel cũng sẽ gặp phản ứng mạnh hơn nữa.
Quan điểm của Israel và Hamas
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 6-10 khẳng định quân đội Israel đã thay đổi hoàn toàn thực tế kể từ khi xung đột Hamas - Israel. Theo Văn phòng Thủ tướng Israel, phát biểu trước các binh sĩ trong chuyến thăm khu vực gần biên giới với Lebanon, ông Netanyahu khẳng định Israel “sẽ chiến thắng” trong bối cảnh nước này đang xung đột với Hamas tại Gaza, giao tranh với Hezbollah tại Lebanon, cũng như sẵn sàng cho cuộc chiến với Iran.
Trong khi đó, Tổng tham mưu trưởng IDF Herzi Halevi tuyên bố các lực lượng của nước này đã “đánh bại cánh quân sự của Hamas và giáng một đòn mạnh vào Hezbollah, lực lượng hiện mất đi toàn bộ chỉ huy cấp cao”.
Theo một báo cáo của Dự án Chi phí cho chiến tranh của Ðại học Brown (Mỹ), kể từ khi nổ ra cuộc xung đột ở Dải Gaza dẫn đến những leo thang căng thẳng ở Trung Ðông, Mỹ đã chi số tiền kỷ lục 17,9 tỉ USD để viện trợ quân sự cho Israel. Ngoài ra, nước này cũng chi 4,86 tỉ USD cho việc tăng cường các hoạt động quân sự tại khu vực, bao gồm cả chi phí cho chiến dịch do Hải quân Mỹ đứng đầu để ngăn chặn các vụ tấn công của Houthi nhằm vào các tàu thương mại trên Biển Ðỏ. Ngoài Israel, Mỹ cũng tăng cường viện trợ quân sự cho Ai Cập và các đối tác khác trong khu vực, đồng thời tăng cường năng lực quân sự của chính Mỹ ở Trung Ðông, nơi quân đội Mỹ đang có khoảng 43.000 quân đồn trú cùng 2 tàu sân bay đang hoạt động.
HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters, CNN)