03/11/2018 - 09:43

Trung Đông căng thẳng vì thiếu nước 

Tuy nằm trong “chảo lửa” Trung Đông nhưng một vùng đất gọi là đảo Hòa Bình vẫn tươi tốt, với những cánh đồng cọ và đồn điền chà là xanh tươi, tương phản hoàn toàn với tình trạng khô cằn của khu vực. Nhưng giờ đây, biểu tượng cùng tồn tại giữa Israel và Jordan này đang trở thành nạn nhân của sự căng thẳng giữa các nước láng giềng.

Theo NBC News, Vua Jordan Abdullah II mới đây tuyên bố nông dân Israel sẽ không được phép thuê đất tại đảo Hòa Bình, nơi cách Biển hồ Galilee chỉ 6 dặm về phía Nam và cách Biển Chết 62 dặm về phía Bắc. Đáp lại, Bộ trưởng Nông nghiệp Israel dọa sẽ giảm lượng nước mà Tel Aviv chia sẻ với láng giềng.

Người dân Iraq lấy nước tại một giếng công cộng. Ảnh: NBC News

Được biết, Israel năm 1994 đã ký thỏa thuận tạo ra đảo Hòa Bình với Jordan, giúp kết thúc cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ giữa hai nước. Đây là một điểm sáng hiếm thấy trong quan hệ lịch sử đầy phức tạp giữa Israel với các nước A-rập.

Tiếp cận nguồn nước là một vấn đề lớn trên khắp Trung Đông, nơi mà tình trạng khô hạn, tăng trưởng dân số, cơ sở hạ tầng yếu kém cùng với chiến tranh đã làm cho nguồn nước tại đây vốn hiếm lại khó khăn hơn. Các cuộc biểu tình liên quan tới nước liên tục nổ ra ở Iraq và Iran. Một số chuyên gia thậm chí còn cho rằng cuộc nổi dậy Mùa xuân A-rập chính là kết quả của hạn hán và nắng nóng. Cố Tổng thư ký Liên Hiện Quốc Boutros Boutros-Ghali từng nhận định rằng cuộc chiến tiếp theo tại Trung Đông là vì tranh chấp nguồn nước chứ không phải vì chính trị.

Trên khắp khu vực giáp Jordan của Iraq, tác động của việc không tiếp cận được với nguồn nước ngày càng hiện rõ khi ít nhất một chục người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình nổ ra ở tỉnh Basra hồi đầu năm nay sau khi 102.000 người bị bệnh nặng do xài nước bẩn. Trong vòng 7 thập kỷ qua, lượng mưa giảm mạnh ở phía Nam và phía Tây Iraq. Bộ trưởng Nguồn nước Hassan al-Janabi nói với NBC News rằng dòng chảy qua các hệ thống sông Tigris và Euphrates đã giảm 60% kể từ những năm 1970, gây ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp vốn là nguồn sống của khoảng 1/3 dân số Iraq sống tại các vùng nông thôn.

Theo ông Janabi, một nguyên nhân khác dẫn đến sự suy giảm nguồn nước đến Iraq đó chính là Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đã xây tới 5 đập trên sông Euphrates từ những năm 1960, làm giảm hơn một nửa lưu lượng nước tới Iraq. Hồi tháng 6, Thổ Nhĩ Kỳ đã chấp nhận yêu cầu của Iraq trì hoãn kế hoạch lấp đập Ilisu bởi việc này sẽ cắt giảm dòng chảy sông Tigris vào Iraq. Song, phía Ankara khẳng định dự án sẽ tiếp tục được triển khai, đồng thời cam kết sẽ quản lý nguồn nước theo cách có lợi cho mọi người. Tuy nhiên, nhiều người dân Iraq tố chính quyền Baghdad, chứ không phải Thổ Nhĩ Kỳ, đã không sớm đưa ra hành động để cứu nguồn nước khi mà việc xây đập Ilisu bắt đầu hồi năm 2006.

Tình trạng thiếu nước cũng hoành hành tại Iran. Đầu năm nay, các cuộc biểu tình bạo lực đã nổ ra ở tỉnh Khuzestan trong bối cảnh nông dân đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Kênh truyền hình Al Arabiya của Saudi Arabia cho biết ít nhất 4 người biểu tình đã bị bắn chết.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết