09/09/2019 - 23:35

Triều Tiên thử nghiệm vũ khí “sáng tạo”? 

Hình ảnh mô tả những vụ thử nghiệm tên lửa gần đây của Triều Tiên đã khiến chuyên gia quân sự Hàn Quốc Choi Kang ấn tượng xen lẫn lo ngại.

Vụ thử tên lửa ngày 10-8 của Triều Tiên. Ảnh: KCNA

Vụ thử tên lửa ngày 10-8 của Triều Tiên. Ảnh: KCNA

Trước khi khôi phục hoạt động phóng thử tên lửa đạn đạo hồi tháng 5 vừa rồi, Triều Tiên chưa hề bắn bất cứ tên lửa nào kể từ tháng 11-2017. Sự tạm dừng này là yếu tố quan trọng trong việc giúp thiết lập các điều kiện phù hợp, chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 6-2018. Truyền thông Triều Tiên cho biết mục đích của vụ phóng thử hệ thống vũ khí mới hôm 4-5 là “quan sát khả năng vận hành và độ tấn công chính xác của các bệ phóng đa tên lửa tầm xa và vũ khí dẫn đường chiến thuật”. Riêng trong tháng 7 và 8, Triều Tiên phóng một loạt tên lửa tầm ngắn chủ yếu ở độ cao trong khoảng 25-50km và có tầm bay 220-600km từ nhiều địa điểm. Tuy nhiên, cuối tháng rồi, Tổng thống Trump vẫn nhận định: “Ông Kim Jong-un thích thử nghiệm tên lửa, nhưng chúng tôi chưa bao giờ cấm tên lửa tầm ngắn. Nhiều quốc gia cũng phóng thử những tên lửa này”.

Trong khi đó, giới chuyên gia e ngại các vụ phóng tên lửa chứng tỏ trình độ phát triển vũ khí của Bình Nhưỡng đã tiến bộ rất xa so với những gì từng được biết. Về lý thuyết, các tên lửa này có thể được kích hoạt trong thời gian thông báo ngắn hơn và bay nhanh hơn các phiên bản trước đây. Một số chuyên gia cảnh báo những tính năng mới có thể được áp dụng lên các tên lửa tầm xa hơn và có khả năng vươn tới Mỹ.

Đáng nói, các vụ phóng thử tên lửa gần đây của Triều Tiên cho thấy lần đầu tiên nước này chủ động sử dụng thử nghiệm vũ khí để nhắm vào những yếu điểm trong hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân đang bảo vệ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. “Đây thực sự là tư duy giàu tưởng tượng hoặc sáng tạo trong việc sử dụng tên lửa”- ông Choi Kang, Phó Chủ tịch Viện nghiên cứu chính sách Asan tại thủ đô Seoul, nhận định. Độ cao của các tên lửa thử nghiệm chỉ ra rằng chính quyền Kim Jong-un đang nhắm vào khoảng trống giữa hai lá chắn tên lửa: hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot và hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Được biết, mục tiêu của THAAD là các tên lửa có độ cao 50-150km, trong khi con số này của Patriot là từ 30km trở xuống.

Việc Triều Tiên liên tục phóng các tên lửa đạn đạo tầm ngắn cũng làm phức tạp việc nối lại đàm phán phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với kênh ABC News hôm 8-9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng mặc dù “thất vọng”, song Washington vẫn mong trở lại bàn đàm phán với Bình Nhưỡng trong những ngày hoặc những tuần tới. Theo ông, bất chấp những vụ thử tên lửa tầm ngắn nói trên, Chủ tịch Kim Jong-un không vi phạm các cam kết đã đưa ra với Tổng thống Trump và mục tiêu của Mỹ vẫn là phi hạt nhân hóa Triều Tiên một cách có thể kiểm chứng.

THANH BÌNH (Theo CNN, Reuters)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Triều Tiên