HẠNH NGUYÊN (Theo AP)
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 30-1 khẳng định không loại trừ khả năng gửi máy bay chiến đấu đến Ukraine nếu Kiev đáp ứng một số điều kiện, trong khi Mỹ thẳng thừng nói “không” với việc cung cấp tiêm kích cho Ukraine.

F-16, chiến đấu cơ tiên tiến nhất của Mỹ. Ảnh: Getty Images
Tổng thống Macron đưa ra phát biểu trên tại cuộc họp báo ở The Hague, Hà Lan. Theo ông Macron, các điều kiện để gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine bao gồm: việc cung cấp các thiết bị này sẽ không làm leo thang căng thẳng hoặc các thiết bị không được sử dụng “để chạm vào đất Nga” và không “làm suy yếu năng lực quân sự của Pháp”. Chủ nhân Điện Élysée cũng lưu ý phía Ukraine phải có yêu cầu chính thức về việc nhận máy bay từ Pháp.
Cùng ngày, một trợ lý của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu cho rằng Paris sẽ cân nhắc đề nghị của Kiev về việc huấn luyện cho phi công sử dụng tiêm kích. Bộ trưởng quốc phòng của Pháp và Ukraine sẽ có một cuộc điện đàm trong tuần này để bàn chuyện huấn luyện. Thông tin này được đưa ra vài ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov trong cuộc phỏng vấn với tờ Le Figaro đã kêu gọi Paris giúp huấn luyện phi công Ukraine sử dụng máy bay chiến đấu của Pháp.
Trong cuộc họp báo cùng Tổng thống Macron ngày 30-1, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho rằng Ukraine đến nay vẫn chưa chính thức yêu cầu Amsterdam gửi chiến đấu cơ F-16. Ông Rutte nhấn mạnh không có điều cấm kỵ nào nhưng việc cung cấp máy bay chiến đấu sẽ là “một bước đi rất lớn”.
Ngoài ra, Ukraine cũng thông báo nhận được “những tín hiệu tích cực” từ Ba Lan. Cụ thể, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố nước này sẵn sàng gửi F-16 cho Ukraine nhưng với điều kiện có “sự hợp tác chặt chẽ” của các đồng minh khác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Chưa có sự đồng thuận
Việc cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine đang là vấn đề chưa có sự thống nhất giữa các nước phương Tây, trong đó Mỹ và Đức đều phản đối.
Hôm 30-1, khi được các phóng viên hỏi liệu Mỹ có xem xét cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine, Tổng thống Joe Biden trả lời ngắn gọn là “không”. Theo tờ Politico, các quan chức quân sự Mỹ đang hối thúc Lầu Năm Góc gửi F-16 cho Ukraine nhưng chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra.
Giới chức Mỹ từng nói F-16 là loại tiêm kích phức tạp, cần nhiều tháng để học cách lái. Máy bay này cũng yêu cầu bảo trì lớn, thường do các nhà thầu dân sự thực hiện và họ có thể không được an toàn nếu làm việc ở Ukraine. Chính quyền ông Biden trước đây đã khước từ lời kêu gọi viện trợ vũ khí hạng nặng hơn cho Ukraine do lo ngại động thái này mang ý nghĩa đối đầu với Nga.
Tương tự, Đức gần đây cũng đã tái khẳng định sẽ không gửi tiêm kích cho Ukraine. Theo ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, các cuộc đàm phán về chiến đấu cơ với các nước đồng minh đang diễn ra, nhưng có một số quốc gia giữ “thái độ bảo thủ do lo ngại về những thay đổi cấu trúc quốc tế”.
Lý do Ukraine cần chiến đấu cơ
Sau khi được Mỹ và Đức hứa gửi xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams và Leopard 2, Ukraine tiếp tục kêu gọi phương Tây cung cấp tên lửa tầm xa và máy bay chiến đấu, đặc biệt là tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất, khi cả Nga và Ukraine đều đang chuẩn bị cho những chiến dịch lớn trong mùa xuân. Những vũ khí này được nêu trong danh sách nguyện vọng của Ukraine từ lâu, nhưng vẫn chưa được phương Tây chấp thuận.
Không quân Ukraine hiện đang sử dụng các máy bay chiến đầu thời Liên Xô gồm MiG-29, Su-27, Su-25 và Su-24. Những tiêm kích này bị áp đảo bởi những chiến đấu cơ của Nga có thể bắn tên lửa tầm xa mà không cần bay vào không phận quốc gia láng giềng. Do vậy, Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrii Melnyk đã yêu cầu các nước đồng minh thành lập “liên minh chiến đấu cơ” để đối phó với Nga. Điều này sẽ chứng kiến Ukraine được trang bị các tiêm kích F-16, F-35, Eurofighter, Tornado, Rafale và Gripen. Trong đó, F-16, dòng máy bay chiến đấu siêu thanh thế hệ 4, đã trở thành mặt hàng xuất khẩu thành công của Mỹ trong những năm gần đây.
Justin Bronk, chuyên gia quân sự tại RUSI, Luân Đôn (Anh), nhận định không quân Ukraine sẽ hưởng lợi rất nhiều từ các tiêm kích phương Tây, về khả năng không đối không và khả năng sát thương không đối đất. Nhưng ông cũng nêu mối đe dọa từ các tên lửa đất đối không của Nga.