20/12/2009 - 09:33

Trại Triệu phú!

Khi lời bài hát “Money Money Money” của ban nhạc Abba vang lên, nhóm trẻ đi vòng quanh hàng ghế. Khi tiếng nhạc dừng lại, tất cả cùng tranh nhau một chiếc ghế. Thoạt nhìn nhiều người cho đó là trò chơi của tuổi mới lớn. Nhưng đó là giờ lên lớp của các học viên Trại Triệu phú (Camp Millionaire) tại Allentown (bang Pennsylvania - Mỹ). Tại đây, các em ở độ tuổi 10-14 sẽ học cách quản lý đồng tiền để lớn lên trở thành những người an toàn về mặt tài chính, hay nói như biểu ngữ giăng trong lớp học là để “tự do tài chính suốt đời”.

Giờ học trong Trại Triệu phú. Ảnh: BBC 

Trong thời buổi kinh tế nước nhà vẫn chưa thoát khỏi cơn bão suy thoái, ngày càng nhiều phụ huynh xứ cờ hoa gửi con em vào các trung tâm huấn luyện kỹ năng quản lý tài chính với mức học phí 125-500 USD cho một khóa học kéo dài 1-5 ngày. Chương trình đào tạo xoáy vào các chủ đề như tầm quan trọng của thói quen tiết kiệm, làm thế nào để tiêu hao ít tiền, cách thức đầu tư cổ phiếu, bất động sản, kinh doanh và sự khác biệt giữa nợ tốt và nợ xấu. “Chúng tôi dạy bọn trẻ rằng bằng cách nỗ lực kiếm thêm tiền thay vì tiêu pha, chúng sẽ tích góp được tiền của, qua đó giúp chúng có được sự tự do về mặt tài chính để làm những điều có ích cho bản thân, cho mọi người và cho thế giới này”, Naomi Schachter - chủ tịch Financially Free, đơn vị phụ trách Trại Triệu phú - cho biết.

Khởi nguồn tại bang California năm 2002 với phương châm “Làm ra, quản lý và làm sinh sôi nguồn thu nhập của bạn”, đến nay Trại Triệu phú đã được nhân rộng khắp nước Mỹ và hiện có mặt ở Canada, Mexico, Bahamas, Jamaica, Brazil, Úc và Ba Lan. Ở Trại Triệu phú, các học viên đều thuộc nằm lòng rằng nguồn thu thụ động, từ chứng khoán, cổ phiếu, lãi suất, mới là chìa khóa làm nên sự giàu có. Chương trình đào tạo được các chuyên gia giáo dục thiết kế dưới dạng trò chơi và bài tập vừa dễ hiểu vừa vui nhộn và dễ nhớ đối với học viên nhỏ tuổi.

Chẳng hạn, trong một trò chơi, bọn trẻ được yêu cầu khám phá “cá tính tiền bạc” của bản thân. Chỉ một em đứng lên tự nhận mình chỉ biết tiêu tiền. “Em có thể gặp thảm cảnh gì trong tương lai?”, Naomi hỏi. “Em có khả năng rỗng túi”, cậu bé Chaya Halperin 10 tuổi đáp. Khi thầy giáo Christopher Zimmermann vốn là một doanh nhân, yêu cầu lớp định nghĩa “tự do tài chính”, cả thảy đồng loạt giơ tay. “Đó là khi chúng ta kiếm được nhiều tiền hơn mức tiêu xài”, Esta Krizel, 11 tuổi, cho biết. “Đó là lúc chúng ta có đủ tiền để mua mọi thứ mình cần và cả những thứ mình không cần cùng một ít xa xí phẩm”, cậu bé Connine Ticho, 11 tuổi, bổ sung ý của bạn.

Trên lớp, Zimmermann nhiều lần chia sẻ kinh nghiệm của bản thân với các học viên. Ông từng là chủ một công ty cho thuê tài chính, khi khủng hoảng tài chính nổ ra, công ty ông phá sản. “Khi ở tuổi của các em, thầy không được học các nguyên tắc “làm ra, quản lý và nhân rộng thu nhập”. Nếu có, giờ có lẽ thầy đã nghỉ hưu và sống an nhàn cạnh bờ biển”, Zimmermann tâm sự. Mặc dù không ít người chỉ trích Trại Triệu phú dạy cho trẻ biết đến đồng tiền quá sớm và điều đó có thể khiến cuộc sống của trẻ mất đi tính lành mạnh, nhưng những bậc cha mẹ có con tham gia Trại Triệu phú đều cho rằng việc trang bị những kỹ năng quản lý tài chính ngay từ thuở nhỏ sẽ rất có ích, nhất là khi sống trong xã hội tín dụng như ở Mỹ. “Thật tuyệt khi dạy cho bọn trẻ biết giá trị của đồng tiền cũng như cho chúng biết tiền không mọc sẵn trên cây”, chị Devorah Halperin, mẹ của Chaya, nhận xét.

THIÊN LAM (Theo BBC)

Chia sẻ bài viết