10/08/2013 - 21:33

Tổng thống Mỹ cam kết cải cách chương trình do thám

Tổng thống Mỹ Obama tại buổi họp báo hôm 9-8.
Ảnh: Reuters

Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 9-8, Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết sẽ có chính sách “hạn chế sâu rộng và minh bạch hơn” các chương trình giám sát trên điện thoại và Internet của chính phủ - vốn hứng chịu làn sóng chỉ trích trong và ngoài nước sau những tiết lộ chi tiết của cựu nhân viên kỹ thuật Cục Tình báo Trung ương (CIA) Edward Snowden về hoạt động do thám trên qui mô lớn của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA).

Điều quan trọng hiện nay là phải cân bằng giữa an ninh và tự do dân sự, do đó, ông Obama tuyên bố sẽ cải thiện chức năng và khôi phục lòng tin của người dân về các chương trình giám sát của chính phủ qua 4 giải pháp cụ thể. “Với tư cách là một tổng thống, việc chỉ mình tôi tin tưởng những chương trình này là không đủ mà người dân Mỹ cũng cần phải có niềm tin” - ông Obama nhấn mạnh.

Theo kế hoạch, Tổng thống Obama trước hết sẽ làm việc với Quốc hội Mỹ để “cải cách” mục 215 của Đạo luật Yêu nước được chính quyền cựu Tổng thống George Bush phê chuẩn sau sự kiện khủng bố ngày 11-9-2001, trong đó cho phép chính phủ thu thập dữ liệu điện thoại của người dân. Ngoài ra, ông Obama cho biết sẽ thay đổi hoạt động của Tòa án Giám sát Tình báo Nước ngoài vốn chỉ xem xét các yêu cầu từ các cơ quan thực thi pháp luật mà không có đại diện của bên thứ 3.

Bên cạnh đó, Tổng thống Obama nói rằng cần được cung cấp thêm chi tiết về các chương trình của NSA và thành lập một nhóm các chuyên gia ngoài ngành để xem xét hoạt động do thám của Mỹ nhằm lấy lại lòng tin của người dân. “Tôi muốn nói rõ một lần nữa rằng nước Mỹ không quan tâm việc theo dõi những người bình thường. Các cơ quan tình báo của chúng ta chỉ tập trung vào việc tìm kiếm các thông tin cần thiết để bảo vệ công dân mà thôi”- ông Obama khẳng định.

Sau tuyên bố của ông Obama, một số nhóm dân sự đã bày tỏ thái độ ủng hộ trong khi NSA từ chối bình luận về các đề xuất trên. Một số nhà lập pháp còn lên tiếng bảo vệ mạnh mẽ các chương trình theo dõi và xem đây là công cụ quan trọng để phát hiện các mối đe dọa khủng bố. Thậm chí hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Peter King còn gọi kế hoạch cải cách của ông Obama là “một thất bại to lớn về năng lực lãnh đạo trong thời chiến và trách nhiệm của một tổng thống”.

VI VI (Tổng hợp)

Obama “chê” Putin

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 9-8 đã bác bỏ thông tin nói rằng ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin có mối quan hệ không tốt, song lại nói người đồng cấp đôi lúc giống như “một đứa trẻ chán chường”. Obama nói: “Tôi biết báo chí thích tập trung vào ngôn ngữ cơ thể, trong khi ông ấy (Putin) đôi khi xuất hiện với đôi vai thõng xuống, trông như một đứa trẻ chán chường ở cuối lớp học. Nhưng sự thật là khi thảo luận với nhau, chúng tôi làm việc rất hiệu quả”. Hiện Mát-xcơ-va chưa đưa ra bình luận gì về mô tả của ông Obama dành cho ông Putin.

Mối quan hệ Nga-Mỹ xuống tới mức thấp nhất kể từ Chiến tranh lạnh, sau khi Nga cấp qui chế tị nạn tạm thời cho cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden và Tổng thống Obama trả đũa bằng cách hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Putin dự kiến diễn ra tại Nga vào đầu tháng 9 tới. Nhà Trắng cho biết ông Obama rút khỏi cuộc họp không chỉ vì quyết định của Nga dành cho Snowden – người mà Mỹ muốn bắt để truy tố tội gián điệp vì để lộ thông tin của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), mà nó còn liên quan đến chuyện Mát-xcơ-va ủng hộ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến tại Syrie, cũng như các vấn đề nhân quyền và những bất đồng khác.

Trong nỗ lực nhằm không làm phức tạp thêm tình hình, các quan chức cấp cao của hai nước, gồm Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Sergei Lavrov, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và người đồng cấp Sergei Shoigu, đã tiến hành cuộc gặp tại Thủ đô Washington hôm 9-8. Hai bên nhất trí với nhau về việc sẽ triệu tập một hội nghị hòa bình Syrie tại Genève (Thụy Sĩ) càng sớm càng tốt.

THANH TRÚC (Theo Reuters)

Tổng thống Mỹ Obama tại buổi họp báo hôm 9-8. Ảnh: Reuters

Chia sẻ bài viết