23/02/2011 - 21:42

Tình hình nghiêm trọng tại Libye

Tổng thống Gadhafi (ảnh nhỏ) phát biểu trên truyền hình, trong bối cảnh người biểu tình đã kiểm soát nhiều thành phố ở Libye.
Ảnh: Reuters

Ngày 22-2, Tổng thống Libye Muammar Gadhafi tuyên bố sẽ “chiến đấu tới giọt máu cuối cùng” để duy trì chế độ mà ông đã nắm quyền 41 năm qua, và kêu gọi những người ủng hộ giành lại quyền kiểm soát một số khu vực lọt vào tay phe đối lập sau một tuần dân chúng biểu tình chống chính quyền.

Trước làn sóng biểu tình đang dâng cao, Tổng thống Gadhafi đã đưa ra một số tuyên bố đáng ngại trong bài diễn văn dài 70 phút trên truyền hình quốc gia hôm 22-2, trong đó ông đề cập tới khả năng dùng vũ lực đáp trả người biểu tình nếu cần thiết để duy trì quyền lực. Ông Gadhafi khẳng định: “Tôi sẽ không rời bỏ đất nước. Tôi sẽ chết như một chiến binh tử vì đạo vào phút chót và sẽ làm trong sạch Libye từng nhà một”. Đại tá Gadhafi nói: “Tôi vẫn chưa ra lệnh sử dụng vũ lực, chưa ra lệnh bắn một viên đạn nào. Nhưng khi tôi làm điều đó, mọi thứ sẽ bốc cháy”. Ông cũng đưa ra những viễn cảnh u ám có thể xảy đến với Libye nếu ông bị lật đổ, rằng đất nước sẽ hỗn loạn như Iraq hoặc Afghanistan; một nhà nước Hồi giáo theo luật lệ của al-Qaeda; thậm chí là một cuộc tấn công của Mỹ.

Bạo lực đang nhấn chìm Libye nghiêm trọng hơn những gì đã diễn ra tại Tunise và Ai Cập. Người biểu tình đã kiểm soát phần lớn miền Đông Libye, khi họ tuyên bố độc lập và thành lập chính quyền đối lập không chính thức. Sự chia rẽ tại Libye ngày càng sâu sắc, với các khu vực có nguồn dầu lớn hiện nằm dưới sự kiểm soát của phe đối lập, các hải cảng đóng cửa, các bộ tộc lớn đang chuẩn bị cho cuộc xung đột vũ trang và các vụ va chạm đang diễn ra tại Thủ đô Tripoli. Sau vài ngày xung đột, số tử vong đã lên tới khoảng 500 người, trong đó đa số là ở Benghazi, thành phố lớn thứ hai của Libye, nơi các lãnh đạo bộ tộc quyền uy lâu nay bị kiềm chế dưới luật lệ của ông Gadhafi.

Tình hình bất ổn tiếp tục lan rộng khắp Trung Đông. Tại Yemen, 2 người biểu tình chống chính phủ thiệt mạng trong các vụ va chạm với những người ủng hộ Tổng thống Ali Abdullah Saleh, gần Đại học Sanaa ở Thủ đô Sanaa, trong khi hàng chục ngàn người tiếp tục tuần hành ở Thủ đô Manama của Bahrein.

Nhiều nhà phân tích cho rằng Đại tá Gadhafi dường như lo sợ sự phát triển của bất kỳ một tổ chức nào có thể đe dọa quyền lực của ông. Vì vậy kể từ khi lên nắm quyền, ông đã chia quân đội thành nhiều tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn trung thành chủ yếu với người lãnh đạo trực tiếp của họ. Điều đó đã dẫn tới sự đào ngũ của nhiều binh sĩ trong cuộc biểu tình lần này. Thế nhưng, việc phân chia này cũng có nghĩa là quân đội Libye dường như không đóng vai trò ổn định đất nước như ở Tunisie và Ai Cập. Trong khi đó, theo các nguồn tin nước ngoài, nhiều trợ lý và nhà ngoại giao cấp cao của Libye đã rời khỏi chính quyền Gadhafi, trong đó có Bộ trưởng Nội vụ Abdel Fattah Younes al Abidi, người mà đài truyền hình Al Jazzeera của Qatar cho rằng đã giục quân đội Libye gia nhập làn sóng người biểu tình. Phó Đại sứ Libye tại LHQ, Ibrahim Dabbashi, đã công khai tuyên bố quay lưng lại với ông Gadhafi.

Mỹ, Liên đoàn A-rập và Liên Hiệp Quốc chỉ trích việc nhà lãnh đạo Libye sử dụng lực lượng quân sự chống dân thường. HĐBA LHQ kêu gọi chấm dứt ngay lập tức bạo lực ở Libye và yêu cầu ông Gadhafi chịu trách nhiệm bảo vệ người dân.

N. KIỆT
(Theo Washingtonpost, Reuters, Guardian)

Tổng thống Gadhafi (ảnh nhỏ) phát biểu trên truyền hình, trong bối cảnh người biểu tình đã kiểm soát nhiều thành ph

Chia sẻ bài viết