13/07/2011 - 08:39

Khủng hoảng nợ công ở châu Âu:

Tình hình ngày càng tồi tệ

Thủ tướng Silvio Berlusconi (trái) và Bộ trưởng Tài chính Giulio Tremonti của Ý rầu rĩ trước tình hình khó khăn của quốc gia hình chiếc ủng.
Ảnh: AFP

Các nhà lãnh đạo châu Âu thừa nhận một thực tế khó tránh khỏi là nền tài chính Hy Lạp sắp sụp đổ vì gánh nặng nợ công khổng lồ và nguy cơ khủng hoảng lan rộng.

Báo Guardian của Anh ngày 12-7 cho biết sau 12 giờ đàm phán gay go ở Brussels nhằm đối phó với nguy cơ khủng hoảng lan sang Ý, 17 nhà lãnh đạo khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) thừa nhận không thể loại bỏ nguy cơ khủng hoảng nợ của Hy Lạp. Trong tuyên bố tại cuộc họp, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) xác nhận rằng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang hy vọng tình hình sẽ mau chóng qua đi và khủng hoảng “chỉ ở một số nước”, chứ không làm rúng động thị trường tài chính toàn cầu.

Sự thừa nhận của các nhà lãnh đạo Eurozone cho thấy cuộc khủng hoảng nợ công đang chuyển biến rất nhanh và ngày càng tệ hơn, bởi tuần rồi họ còn nhấn mạnh cần thiết phải hỗ trợ Hy Lạp tránh bị vỡ nợ. Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng bất ngờ thay đổi chính sách trong giải quyết khủng hoảng nợ công, khi tăng khả năng sử dụng quỹ giải cứu trị giá 440 tỉ euro của khu vực này để mua lại nợ của Hy Lạp trên thị trường. Và dĩ nhiên, kiến nghị này đang gây ra sự tranh cãi. Nhiều nguồn tin cho biết ECB ủng hộ việc dùng quỹ giải cứu mua lại nợ của Hy Lạp, nhưng Đức yêu cầu phải với điều kiện là các nhà chủ nợ tư nhân gánh một phần. Đề nghị của Đức có nghĩa là các nhà đầu tư mua trái phiếu Hy Lạp sẽ phải chịu lỗ, nhằm giảm gánh nặng nợ cho Athens, vì quỹ của Eurozone chỉ mua với giá “khuyến mãi”.

Các nhà phân tích cho rằng cơ hội để các thị trường trầm tĩnh trở lại là rất mong manh, khi mà các nước Eurozone vẫn bế tắc về phương thức đối phó khủng hoảng, mặc dù đã nhiều tuần đàm phán. Đến sáng 12-7, giới chức châu Âu vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng về gói giải cứu mới cho Hy Lạp.

Trong khi đó, sức ép thị trường đang đẩy chi phí vay nợ của Ý và Tây Ban Nha tăng cao. Lãi suất trái phiếu chính phủ Ý chạm mốc 5,7%, mức cao nhất trong hơn 10 năm qua, trong khi của Tây Ban Nha lên tới 6%, mức cao nhất kể từ khi hình thành Eurozone.

Nhật báo Phố Wall của Mỹ cho rằng Ý đang rơi vào “vòng xoáy” khủng hoảng, khi các nhà đầu tư bán tháo trái phiếu nước này. Khoảng cách giữa trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Ý với Đức tăng lên hơn 100 điểm, đạt kỷ lục 285,6%, so với tuần trước. Nợ của Ý đã lên tới 120% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cùng với hệ thống chính trị nhiều biến động đang đẩy Ý đến bờ vực khủng hoảng.

Còn tại Tây Ban Nha, Thủ tướng Jose Luis Rodroguez Zapatero đã cải tổ nội các hôm 11-7, bổ nhiệm bộ trưởng nội vụ và người phát ngôn mới sau sự ra đi của Phó Thủ tướng Alfredo Perez Rubalcaba. Những bổ nhiệm này là nhằm duy trì sự ổn định, tập trung khôi phục kinh tế và tăng việc làm. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp tại Tây Ban Nha đang tăng lên trên 20% và nước này đang vất vả vượt qua cuộc suy thoái kéo dài hơn hai năm qua.

Lo sợ tình trạng không trả được nợ ở Ý và Tây Ban Nha, cùng với việc các nhà lãnh đạo châu Âu chưa tìm được giải pháp cho vấn đề nợ của Hy Lạp đang gây ra sự hoang mang trên thị trường. Tại Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 151,44 điểm (1,2%) xuống còn 12.505,76 điểm.

N. KIỆT (Theo Guardian, WSJ)

Thủ tướng Silvio Berlusconi (trái) và Bộ trưởng Tài chính Giulio Tremonti của Ý rầu rĩ trước tình hình khó khăn của quốc

Chia sẻ bài viết