Với những hành vi bị cho không minh bạch của Trung Quốc về dịch COVID-19, cộng đồng tình báo Anh tin rằng Luân Đôn cần đánh giá lại quan hệ với Bắc Kinh sau khủng hoảng y tế lần này.

Trụ sở MI6 tại trung tâm thủ đô Luân Đôn. Ảnh: Reuters
Cuối tháng rồi, Bộ trưởng Văn phòng Nội các Anh Michael Gove cáo buộc Trung Quốc giảm nhẹ mối đe dọa dịch bệnh khi các ca nhiễm đầu tiên xuất hiện ở thành phố Vũ Hán vào tháng 12-2019. Ông Gove còn chỉ ra việc Bắc Kinh không cung cấp thông tin rõ ràng về quy mô, bản chất và khả năng COVID-19 lây lan. Nhiều quan chức Anh cấp cao, bao gồm Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel, Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace và Chủ tịch Hạ viện Jacob Rees-Mogg cũng giận dữ vì cho rằng Trung Quốc giấu dịch.
Trước đó, giới chính trị gia Anh tuy có lo ngại về Trung Quốc nhưng phần nào vẫn bị kiềm chế do tác động của quan hệ thương mại. Còn nhớ dưới thời Thủ tướng David Cameron, Chính phủ Anh từng tích cực thúc đẩy chính sách thu hút đầu tư từ Trung Quốc trong lĩnh vực viễn thông, năng lượng hạt nhân. Khi kế nhiệm, bà Theresa May yêu cầu xét lại khoản đầu tư của Bắc Kinh tại nhà máy điện hạt nhân Hinckley Point, rốt cuộc dự án này sau đó vẫn được thông qua.
Nhưng dịch bệnh nghiêm trọng hiện nay dường như thay đổi bầu không khí chính trị tại Anh khi tư tưởng hoài nghi Trung Quốc lan rộng trong một số nghị viên đảng Bảo thủ cầm quyền. Theo cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ Iain Duncan Smith, COVID-19 sẽ khiến giới chức Luân Đôn suy nghĩ về việc nước này đang phụ thuộc vào Trung Quốc như thế nào để điều chỉnh chính sách đối ngoại. Tuần rồi, 15 nghị sĩ Bảo thủ đã gửi thư kiến nghị Thủ tướng Boris Johnson xem lại mối quan hệ “sâu rộng” giữa Anh với Trung Quốc sau khi dịch bệnh tạm lắng. Theo họ, Anh đã thất bại trong việc đưa ra tầm nhìn chiến lược về các nhu cầu kinh tế, kỹ thuật và an ninh dài hạn của quốc gia.
Đồng quan điểm, chuyên gia cấp cao Charles Parton tại Viện Nghiên cứu an ninh quốc phòng Hoàng gia cho rằng Anh đáng lý phải suy xét mối quan hệ với Trung Quốc từ lâu vì Bắc Kinh vẫn tự coi họ là đối thủ cạnh tranh với phương Tây. Những tháng gần đây, Cơ quan An ninh Nội địa (MI5) và Cục Tình báo Nước ngoài (MI6) của Anh đã nhiều lần kêu gọi chính quyền Thủ tướng Johnson cẩn trọng hơn đối với các hoạt động của Trung Quốc. Trong báo cáo mới, hai cơ quan này lần nữa giục chính phủ đề ra “tầm nhìn thực tế” và có chiến lược đối phó trước dự báo Bắc Kinh sẽ càng quyết đoán sau khi giải quyết xong khủng hoảng COVID-19. Đặc biệt, MI5 và MI6 cho rằng chính phủ cần tăng cường kiểm soát những ngành công nghiệp chiến lược và công nghệ cao bằng cách hạn chế Trung Quốc thâu tóm doanh nghiệp quan trọng thuộc lĩnh vực truyền thông kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo, giảm số lượng sinh viên từ đại lục tham gia nghiên cứu tại các trường đại học cùng cơ sở giáo dục trọng yếu ở Anh.
Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng cách xử lý của Trung Quốc đối với đại dịch COVID-19 đang buộc Mỹ cân nhắc thoát khỏi sự phụ thuộc vào cường quốc châu Á trong lĩnh vực cung ứng dược phẩm. Washington rõ ràng cũng cẩn trọng hơn với Bắc Kinh trong vấn đề an ninh, công nghệ và thương mại. Theo thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley, Trung Quốc coi COVID-19 là “cơ hội địa chiến lược” giúp hiện thực hóa kế hoạch trở thành cường quốc thống trị thế giới. Nhưng đồng thời, cũng đến lúc giới tinh hoa ở Washington và các nhà tài phiệt Phố Wall từng thúc đẩy quan hệ gần gũi với Trung Quốc “thức tỉnh” trước hậu quả mà họ đã mặc cả với Bắc Kinh.
Hiện giới lập pháp Mỹ đang thúc đẩy thông qua các dự luật liên quan sự thiếu minh bạch của Trung Quốc về dịch bệnh. Tính riêng tháng 3, ít nhất 20 dự luật đã được giới thiệu bao gồm yêu cầu Trung Quốc gánh chi phí cũng như tiến hành điều tra quốc tế về phản ứng của nước này trong đại dịch.
MAI QUYÊN (Theo Guardian, SCMP)