15/12/2013 - 21:11

Thủ tướng Nhật dốc sức cho an ninh quốc gia

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (giữa). Ảnh: CNN

Theo hãng tin Reuters, năm 2014 Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chắc chắn sẽ khẩn trương thúc đẩy việc nới lỏng những hạn chế pháp lý về năng lực quốc phòng được quy định trong hiến pháp hòa bình, để có thể sát cánh cùng đồng minh trong các sứ mệnh quân sự ở nước ngoài.

Nhiệm kỳ đầu tiên của Thủ tướng Abe bất ngờ kết thúc vào tháng 9- 2007 sau đúng một năm cầm quyền do một loạt bê bối của các thành viên nội các cùng vấn đề sức khỏe, song ông đã trở lại lãnh đạo Nhật Bản tháng 12 năm ngoái và cam kết phục hồi nền kinh tế trì trệ cũng như thúc đẩy vai trò của Tokyo đối với an ninh toàn cầu. Giáo sư Jiro Yamaguchi thuộc Đại học Hokkaido cho rằng, ông Abe đang cảm nhận một cách mạnh mẽ rằng năm 2014 là cơ hội cuối để ông thực hiện các mục tiêu đã vạch ra từ lâu. "Mặc dù không có cuộc bầu cử quốc gia nào cho tới năm 2016, nhưng nếu ông ấy không giải quyết một loạt vấn đề ở quốc hội vào năm tới, ông ấy sẽ mất đà và không còn đủ thời gian", ông Yamaguchi cảnh báo.

Việc dỡ bỏ lệnh cấm thực hiện quyền phòng vệ tập thể có trong hiến pháp hòa bình sẽ đánh dấu bước ngoặt lớn đối với chính sách an ninh của Nhật thời hậu Thế chiến thứ hai. Trong nỗ lực trên, ủy ban các nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền do ông Abe chỉ định dự kiến sẽ thúc giục quốc hội dỡ bỏ lệnh cấm trên vào năm tới. Hồi tháng rồi, ông Abe cũng đã đạt được một mục tiêu trong việc thay đổi hiến pháp khi quốc hội phê chuẩn việc thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia theo mô hình của Mỹ, được cho là sẽ tập trung quyền kiểm soát các chính sách an ninh và ngoại giao vào tay thủ tướng. Mới đây, chính phủ của ông Abe cũng công bố dự thảo Chiến lược An ninh Quốc gia đầu tiên và dự kiến sẽ được thông qua vào ngày mai 17-12. Dự thảo khẳng định sự cần thiết phải tăng cường sức mạnh quân sự (trong đó có tăng chi tiêu quốc phòng hàng năm lên gần 50 tỉ USD trong 5 năm tới) và nâng cao vai trò an ninh của Nhật trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc tại châu Á. Trong nỗ lực nâng cao vai trò của quân đội ở nước ngoài, Tokyo hồi tháng rồi đã gửi 1.000 binh sĩ cùng các tàu và máy bay quân sự đến Philippines giúp khắc phục hậu quả của siêu bão Haiyan, đánh dấu chiến dịch triển khai quân sự lớn nhất của nước này kể từ sau năm 1945.

Xuất khẩu vũ khí cũng là một mục tiêu trong chiến lược an ninh quốc gia của Nhật. Hồi đầu tháng 8 năm nay, Bộ Quốc phòng Mỹ đã phái người sang Tokyo gặp giới chức Nhật nhằm thảo luận về việc thay đổi lệnh cấm bán vũ khí của quốc gia Đông Á này. Cụ thể, phía Lầu Năm Góc mong muốn hợp tác sản xuất và mua vũ khí từ các tập đoàn quốc phòng Nhật.

Tuy nhiên, Thủ tướng Abe đang hứng chịu không ít chỉ trích trong nước, thậm chí từ các thành viên LDP khi tìm cách thay đổi hiến pháp hòa bình tồn tại từ sau Thế chiến thứ hai. Họ cho rằng sự điều chỉnh này có thể khiến Nhật can dự vào các cuộc xung đột vũ trang ở nước ngoài.

THANH BÌNH (Tổng hợp)

Trung Quốc chỉ trích phát biểu của ông Abe

Trong một tuyên bố hôm 15-12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã bày tỏ "sự thất vọng mạnh mẽ" về việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe "vu khống ác ý" Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Bắc Kinh trên biển Hoa Đông.

Trong cuộc họp báo tại Tokyo hôm 14-12 sau khi gặp gỡ các nhà lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ông Abe cho rằng tuyên bố gần đây của Trung Quốc về ADIZ bao phủ cả quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư là "vi phạm một cách bất công tự do hàng không xung quanh các vùng biển" và yêu cầu Bắc Kinh hủy bỏ vùng nhận dạng trên.

 

Chia sẻ bài viết