28/08/2024 - 22:23

Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm lợi ích chiến lược tại châu Phi 

Thổ Nhĩ Kỳ đang trở thành nhà trung gian hòa giải chính trị tại châu Phi thông qua các quan hệ thương mại sâu sắc, sáng kiến ​​quyền lực mềm và liên minh an ninh ngày càng lớn. Bước đi này của Ankara được cho nằm trong mục tiêu tìm kiếm lợi ích chiến lược dài hạn ở lục địa đen.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ (giữa) cùng những người đồng cấp Ethiopia và Somalia trong  một cuộc họp báo tại Ankara. Ảnh: dailysabah

Mở rộng tầm ảnh hưởng

Trong tháng này, các phái đoàn ngoại giao Somalia và Ethiopia đã đến thủ đô Ankara của Thổ ​​Nhĩ Kỳ để đàm phán nhằm chấm dứt căng thẳng gay gắt có nguy cơ châm ngòi cuộc chiến giữa 2 quốc gia Ðông Phi này. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan giữ vai trò trung gian cho các cuộc thảo luận này, trong khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cũng vận động Mogadishu và Addis Ababa hàn gắn rạn nứt liên quan một thỏa thuận hồi đầu năm.

Vai trò trung gian của Ankara cho các cuộc đàm phán trên nhấn mạnh cách Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi trong 2 thập kỷ qua. Kể từ năm 2003, nước này đã tăng số lượng đại sứ quán tại châu Phi gần gấp 4 lần lên 44 cơ quan, trở thành nhân tố chính trong lĩnh vực quốc phòng của châu lục và khai trương một loạt tuyến bay, kết nối thành phố Istanbul với hàng chục thành phố ở châu Phi.

Theo giới phân tích, chiến lược khẳng định vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ tại châu Phi lần đầu thực hiện những thay đổi quan trọng vào năm 2011, được thúc đẩy bởi các doanh nghiệp nước này muốn khai thác sức mạnh kinh tế đang trỗi dậy của châu lục và Ankara hướng đến mục tiêu mở rộng ảnh hưởng ra ngoài vùng ngoại vi gần kề.

Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục khẳng định sự hiện diện tại châu Phi thông qua sự kết hợp giữa các nỗ lực về thương mại, an ninh, ngoại giao và tôn giáo do Ankara dẫn đầu. Theo thống kê, kim ngạch thương mại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia châu Phi đã đạt 32 tỉ USD năm ngoái. Các nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ cũng tham gia ít nhất 1.800 dự án cơ sở hạ tầng ở nhiều nước, kể cả Niger mà các đối tác phương Tây thường tránh xa do những rủi ro an ninh.

Sức mạnh của quyền lực mềm

Song song đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đầu tư vào các sáng kiến ​​về quyền lực mềm để “lấy lòng” người dân châu Phi. Theo đó, nước này đã dành gần 10 năm để xây dựng một nhà thờ Hồi giáo lớn ở thủ đô Accra (Ghana) theo phong cách của Nhà thờ Hồi giáo Xanh ở Istanbul. Nhiều nhà thờ Hồi giáo khác ở Mali, Djibouti và Sudan cũng được Thổ Nhĩ Kỳ tài trợ.

Ðối với Somalia, ngoài việc giúp xây dựng trường học và bệnh viện, Thổ Nhĩ Kỳ còn phát động các chương trình học bổng để trao cơ hội học tập tại nước này cho sinh viên châu Phi có năng khiếu. Trong khi đó, đài truyền hình TRT của Thổ Nhĩ Kỳ đã ra mắt dịch vụ tin tức châu Phi vào năm ngoái, phát sóng bằng 4 thứ tiếng gồm Anh, Pháp, Swahili và Hausa.

Tuy nhiên, chỉ báo lớn nhất về phạm vi hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ ở châu Phi là chiều sâu của các liên minh an ninh. Ankara đã thiết lập quan hệ với các quốc gia từ Niger ở vùng Sahel đến Somalia và Ethiopia ở phía Ðông châu lục, tự khẳng định mình là nhà cung cấp máy bay không người lái (UAV) “tốt, rẻ”. Thổ Nhĩ Kỳ cũng bán vũ khí hạng nhẹ, xe rà phá bom mìn, xe bọc thép và trực thăng cho các quốc gia châu Phi.

Chưa hết, Thổ Nhĩ Kỳ còn đẩy mạnh hợp tác an ninh và quốc phòng với gần như toàn bộ các nước châu Phi. Nguồn tin ngoại giao tiết lộ Thổ Nhĩ Kỳ đang hợp tác chặt chẽ với Somalia về việc xây dựng quân đội quốc gia và cải cách lĩnh vực an ninh của đất nước Ðông Phi. Các nước châu Phi khác cũng đã yêu cầu Ankara đào tạo cho lực lượng quân sự của họ.

Vào cuối năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ điều một tàu đến bờ biển của Somalia để thăm dò trữ lượng dầu khí lên tới 30 tỉ thùng. Thông tin này được công bố sau khi hai bên hồi tháng 2 đạt một thỏa thuận nhằm bảo vệ các vùng lãnh hải của Somalia, quốc gia mà Thổ Nhĩ Kỳ đặt một căn cứ quân sự lớn. Tháng rồi, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý gia hạn sự hiện diện của quân đội nước này tại Somalia thêm 2 năm.

 Vị trí thích hợp cho các cường quốc tầm trung

Theo nhà nghiên cứu Abel Abate Demissie tại chương trình châu Phi của Chatham House (Anh), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đặt mục tiêu tái lập ảnh hưởng của nước này ở một số khu vực mà Đế chế Ottoman từng thống trị, đặc biệt là ở Bắc Phi và Sừng châu Phi. Trong khi đó, nhiều quốc gia ở Sừng châu Phi đang vật lộn để thiết lập sự quản trị ổn định, giữa lúc phải đối mặt với các nhóm nổi dậy cực đoan. Điều đó cùng với sự rút lui của các đối tác phương Tây truyền thống đã khiến những quốc gia này tìm kiếm các liên minh mới. Nhờ vậy, hiện có một vị trí thích hợp ở Sừng châu Phi cho các cường quốc tầm trung, chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Vả lại, Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ văn hóa gần gũi với nhiều quốc gia Hồi giáo châu Phi và ít can thiệp các vấn đề nội bộ hơn so với các cường quốc châu Âu. 

HẠNH NGUYÊN (Theo FT, National News)

Chia sẻ bài viết