06/01/2018 - 09:55

Thiên Cung-1 sắp rơi xuống Trái đất 

Tổ chức nghiên cứu và phát triển hàng không vũ trụ Mỹ Aerospace Corporation (TAC) cho biết trạm vũ trụ Thiên Cung-1 được dự báo sẽ trở lại bầu khí quyển Trái đất vào cuối tháng 3. Hồi năm 2016, Cơ quan Vũ trụ Trung Quốc thông báo họ không nhận được dữ liệu từ Thiên Cung-1 và đây là lý do quá trình trở về của nó không thể kiểm soát. Theo TAC, không dễ xác định vị trí rơi của trạm vũ trụ này hoặc các bộ phận của nó, ngoài việc các chuyên gia chỉ khoanh vùng ảnh hưởng từ vĩ tuyến 43 độ Bắc đến 43 độ Nam (ảnh).  Theo ước tính, có khoảng 10-40% bộ phận của một tàu không gian sẽ rơi xuống đất. Đối với các vệ tinh nhỏ, tỷ lệ này không lớn, nhưng ở Thiên Cung-1, sẽ có khoảng 0,9- 3,6 tấn mảnh vụn lao xuống.

 Ảnh: Daily Mail

Thông tin là thế nhưng báo USA Today cho biết sự trở về của Thiên Cung- 1 sẽ không đáng sợ. Bởi theo những phân tích khoa học, xác suất để trạm không gian nặng 9,4 tấn này rớt trúng một người “nhỏ hơn khoảng 1 triệu lần so với cơ hội giành giải độc đắc vé số Mỹ Powerball”. Lý do là vì khí quyển Trái đất nhiều khả năng sẽ đốt cháy và tách nhỏ một số bộ phận của thiết bị không gian dài hơn 10m này. Ngoài ra, “tin mừng” khác là trong hơn 50 năm khám phá không gian, chỉ có một người xui xẻo bị trúng mảnh vỡ của tàu không gian. Theo tạp chí The Verge, đó là trường hợp của bà Lottie Williams ở bang Oklahoma (Mỹ)- người đã bị một mảnh kim loại 15cm của tên lửa đẩy Delta II quẹt vào vai nhưng không nghiêm trọng hồi năm 1996. Tuy nhiên, điều các nhà khoa học lo ngại là chất độc hydrazine có thể không tan rã khi tái nhập khí quyển.

Được thiết kế với “tuổi thọ” hoạt động chỉ 2 năm, Thiên Cung-1 được phóng lên quỹ đạo hồi tháng 9-2011. Theo Tân Hoa xã, Thiên Cung-1 đã ghép nối thành công với các tàu Thần Châu 8 không người lái năm 2011, Thần Châu 9 và 10 có người lái vào các năm 2012 và 2013 cũng như thực hiện nhiều thí nghiệm khác, đóng góp vào chương trình không gian quốc gia. Sau khi Thần Châu 10 trở về Trái đất hồi tháng 6-2013, Thiên Cung-1 hoàn tất các sứ mệnh quan trọng, nhưng phía Trung Quốc kéo dài thời gian hoạt động của trạm thêm 2 năm rưỡi. Theo Cơ quan Kỹ thuật Vũ trụ Trung Quốc, Thiên Cung-1 được trang bị thiết bị quan sát Trái đất và máy thăm dò môi trường vũ trụ. Trạm còn có nhiều ứng dụng và cung cấp dữ liệu khoa học quý giá về nghiên cứu nguồn khoáng sản, đại dương và rừng, giám sát môi trường thủy văn và sinh thái, sử dụng đất, giám sát môi trường nhiệt ở đô thị và kiểm soát thảm họa trong trường hợp khẩn cấp.

Thiên Cung-1 được mô tả là “biểu tượng chính trị đầy uy lực” của Trung Quốc, góp phần vào tham vọng biến quốc gia Đông Á thành siêu cường không gian. Trạm này còn là bàn đạp để Bắc Kinh đưa tổ hợp tàu vũ trụ lớn hơn lên quỹ đạo Trái đất vào năm 2020. Mục đích của chương trình không gian nhiều tỉ USD của Trung Quốc là đưa trạm vũ trụ có người đi vào hoạt động trong năm 2022.

THANH BÌNH

Chia sẻ bài viết