20/10/2009 - 09:03

Thế lực nào đứng đằng sau Jundallah ?

Thủ lĩnh Jundallah Malek Rigi.
Ảnh: radiobalochi.org

Nhóm phiến quân Hồi giáo dòng Sunni “Jundallah” (Chiến binh của Thượng đế), đã nhận trách nhiệm gây ra vụ đánh bom liều chết sáng 18-10 ở tỉnh Sistan-Baluchestan của Iran nhằm vào Lực lượng Vệ binh Cách mạng, làm gần 90 người chết và bị thương. Hãng thông tấn ISNA dẫn lời ông Mohammad Marziah, Tổng Chưởng lý tỉnh Sistan-Baluchestan cho biết chưa có nghi can nào bị bắt giữ, song phần tử khủng bố Malek Rigi đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công trên. Rigi là thủ lĩnh Jundallah, nhóm bị cáo buộc là có sự bảo trợ của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và từng tiến hành nhiều vụ tấn công tương tự tại tỉnh giáp biên giới Afghanistan và Pakistan này.

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã chỉ thị cho giới chức Iran điều tra và nhanh chóng bắt giữ các phần tử lên kế hoạch vụ tấn công đẫm máu nhất ở Iran nhiều năm qua, xảy ra hôm 18-10. Ông Ahmadinejad cũng đảm bảo với người dân Iran rằng “các thủ phạm sẽ sớm phải chịu trách nhiệm về hành động phi nhân tính của chúng”. Cùng ngày, Tư lệnh Bộ binh Iran, Tướng Mohammad Pakpour tuyên bố Lực lượng Vệ binh Cách mạng sẽ trả đũa “quyết liệt” những kẻ đứng đằng sau vụ tấn công tại Sistan-Baluchestan.

Có thể nói, vụ đánh bom liều chết làm thiệt mạng ít nhất 31 người, trong đó có 5 tướng lĩnh chủ chốt của lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, và 40 người khác bị thương hôm 18-10, cho thấy sự lộng hành của các phần tử khủng bố ở tỉnh Sistan-Baluchestan đã trở thành một trong những vấn đề an ninh nóng bỏng nhất của Tehran.

Nằm ở Đông Nam Iran, giáp giới Afghanistan và Pakistan, khu vực Sistan-Baluchestan có diện tích lớn nhất và nghèo nhất trong số 30 tỉnh thành của Iran. Đây là nơi tập trung đông người Hồi giáo dòng Sunni, với bộ tộc Baluch chiếm đa số, trong khi phần lớn dân Iran theo dòng Shiite. Do ở địa hình núi non hiểm trở lại giáp giới Afghanistan và Pakistan, nên tỉnh này được xem là “nơi trung chuyển” của các tay buôn lậu ma túy và cả xăng dầu.

Jundallah được thành lập năm 2003, dưới sự chỉ huy của Malek Rigi, sau đó được đổi tên thành Phong trào Phản kháng nhân dân Iran (PRMI). Tổ chức này được cho là có khoảng 1.000 tay súng. Tuy nhiên, trả lời hãng truyền hình Al-Arabiya TV hồi tháng 10-2008, Rigi nói rằng PRMI đã xây dựng lực lượng “hơn 2.000 tay súng”.

Ban đầu, Jundallah ít được biết đến, nhưng vài năm gần đây nhóm này liên tục gây tội ác. Ngày 28-5-2009, trước bầu cử tổng thống Iran khoảng 3 tuần, PRMI đã tiến hành vụ đánh bom đẫm máu tại nhà thờ thành phố Zehedan, làm 25 người chết và 125 người khác bị thương. Trước đó, ngày 25-1-2009, PRMI phục kích và giết chết 12 cảnh sát Iran ở Saravan. Năm ngoái, Jundallah cũng đã bắt cóc và hành quyết 16 cảnh sát Iran. Jundallah còn tiến hành nhiều cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, trong đó có vụ phục kích đoàn xe hộ tống Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad khi ông đến Sistan-Baluchestan, làm 5 vệ sĩ thiệt mạng. Tehran đã đưa PRMI vào danh sách các tổ chức khủng bố, vì các hoạt động khủng bố, bắt cóc và buôn lậu ma túy.

Các nhà phân tích cho rằng một trong những nguyên nhân khiến Tehran lên tiếng cáo buộc Mỹ dính líu đến vụ đánh bom ngày 18-10 xuất phát từ việc lâu nay Washington vẫn không đưa Jundallah vào danh sách các tổ chức khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ. Bộ trưởng Nội vụ Iran Mostafa Pour-Mohammadi tố cáo các nhân viên tình báo Mỹ đã gặp và hợp tác với các phần tử nổi dậy chống Iran ở Afghanistan, trong đó có nhóm Jundallah. Nhiều nguồn tin cho biết chính Hamid Rigi, em trai của Malek, hồi mùa hè vừa qua thú nhận rằng Jundallah đã nhận tài chính và mệnh lệnh từ Washington, một cáo buộc mà Mỹ phủ nhận.

N. MINH (Theo WSJ, Wikipedia, BBC)

Thủ lĩnh Jundallah Malek Rigi. Ảnh: radiobalochi.org

Chia sẻ bài viết