19/04/2025 - 08:16

Thế hệ Y, Z đang làm giảm tỷ lệ sinh trên thế giới 

Với việc ngày càng ít người chọn bước vào cánh cửa hôn nhân, tỷ lệ sinh cũng sụt giảm trên toàn thế giới. Và tình trạng giảm tỷ lệ sinh toàn cầu đang được đổ lỗi cho xu hướng sống độc thân của Thế hệ Y (còn gọi là Millennials, những người sinh từ năm 1981-1996) và Thế hệ Z (1997-2009).

Lợi thế của những phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản như trữ đông trứng là một lý do khiến nhiều phụ nữ hoãn sinh con. Ảnh: Bloomberg

Những con số đáng ngại

Năm 2023, số hộ gia đình 1 người ở Mỹ đạt mức cao kỷ lục là 38,1 triệu hộ. Cùng năm này, dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy 42% người trưởng thành xứ cờ hoa không có người yêu hoặc bạn đời. Năm 2024, số hộ gia đình 1 người tăng lên 38,5 triệu hộ, chiếm 29% số hộ gia đình ở Mỹ. Con số này cao hơn đáng kể so với năm 1974, khi số hộ 1 người chỉ chiếm 19% tổng số hộ gia đình ở nước này. Với số người độc thân gia tăng, tỷ lệ sinh trung bình tại Mỹ đã xuống giảm mức thấp kỷ lục là 1,7 con/phụ nữ, tức thấp hơn mức sinh cần thiết để duy trì dân số ổn định là 2,1 con/phụ nữ.

Giống như Mỹ, Anh cũng ghi nhận tỷ lệ sinh thấp nhất vào năm 2023, với 1,4 con/phụ nữ. Với tỷ lệ sinh hiện tại là 1,1 con/phụ nữ, Ý cũng được cho là đang ở “tình trạng khẩn cấp quốc gia”. Tương tự, Tây Ban Nha có tỷ lệ sinh thấp nhất kể từ năm 1941 với 1,2 con/phụ nữ.

Không chỉ tại phương Tây, xu hướng giảm tỷ lệ sinh cũng ảnh hưởng châu Á. Với 0,75 con/phụ nữ, Hàn Quốc có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. 

Nhiều lý do sống độc thân

Chuyên gia Robert VerBruggen tại Viện Manhattan (Mỹ) cho biết một nguyên nhân quan trọng khiến lối sống độc thân lên ngôi là việc nó trở nên khả thi và hấp dẫn hơn đối với giới trẻ. Sự thay đổi này là kết quả của việc các lựa chọn lối sống được mở rộng, cho phép Thế hệ Y và Z cảm thấy không sợ hãi khi theo đuổi con đường riêng, thay vì con đường mà họ cảm thấy đã được định sẵn là kết hôn và sinh con.

Bên cạnh đó, các chương trình truyền hình mang hơi hướng nữ quyền, như loạt phim ăn khách “Friends và Sex and the City”, đã khiến Thế hệ Y mơ mộng về việc không kết hôn và được giải phóng khỏi những cột mốc truyền thống trong đời là kết hôn và sinh con. Trước đây, hôn nhân từng được coi là “hợp đồng bảo hiểm” cho nhiều phụ nữ, những người dựa vào chồng để có thu nhập và cuộc sống ổn định. Còn ở hiện tại, ngày càng nhiều phụ nữ gây dựng sự nghiệp riêng và tự lo bản thân. “Phụ nữ có thể ổn định về mặt tài chính hơn khi chỉ sống một mình so với trước đây. Mức sống ngày càng tăng và công nghệ mới góp phần khiến cuộc sống độc thân trở nên hấp dẫn hơn”, ông VerBruggen giải thích.

Giáo sư xã hội học Kent Bausman tại Đại học Maryville (Mỹ) thì cho biết một yếu tố khác là việc những người trẻ tuổi bước vào giai đoạn “trưởng thành” muộn hơn. Những người vừa tốt nghiệp phải gánh trên vai khoản nợ thời sinh viên, trong khi có mức lương thấp. Kết quả là họ thường vẫn sống cùng cha mẹ và trì hoãn việc lập gia đình. Do mất nhiều thời gian hơn để tìm được chỗ đứng trong xã hội, nên đối với nhiều người trẻ, kết hôn là điều cuối cùng họ nghĩ đến.

Liệu có thể đảo ngược xu hướng độc thân?

Hiện tại, các chuyên gia xã hội học, kinh tế và nhà nghiên cứu vẫn đang chia rẽ về những biện pháp có thể làm để đảo ngược tỷ lệ sinh đang giảm. Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh rằng 62% các quốc gia có tỷ lệ sinh dưới mức thay thế đã áp dụng các chính sách gia tăng số ca sinh, bao gồm việc trao tiền thưởng khi sinh con, trợ cấp gia đình, cải thiện chế độ nghỉ phép chăm con mới sinh, ưu đãi về thuế và thời gian làm việc linh hoạt… Tuy nhiên, Viện Cato (Mỹ) cho biết tỷ lệ sinh của các quốc gia đã thực hiện chính sách như vậy chỉ cải thiện chút ít.

Trong khi đó, Giáo sư Bausman cho rằng việc hỗ trợ tiền trực tiếp cho các gia đình không phải là giải pháp, mà ông tin rằng động lực tăng tỷ lệ sinh lớn nhất sẽ là giải quyết các rào cản tài chính liên quan đến việc lập gia đình. Còn theo quan điểm của chuyên gia VerBruggen, chúng ta cần “một sự thay đổi văn hóa theo hướng ủng hộ việc sinh con”. Điều này sẽ dễ dàng hơn đối với các chính phủ vì nó không liên quan đến các chính sách tốn kém, mặc dù việc thay đổi nhận thức của công chúng sẽ là một thách thức lớn.

NGUYỆT CÁT (Theo Newsweek)

Chia sẻ bài viết