10/06/2008 - 10:39

Thế giới chật vật chống lạm phát

Giá dầu leo thang khiến cuộc chiến chống lạm phát trở nên hết sức khó khăn. Ảnh: AFP

Cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu chưa lắng dịu thì xảy ra cú sốc giá dầu gần đây càng làm gia tăng áp lực lạm phát đối với nền kinh tế thế giới. Ngày 6-6 vừa qua, giá dầu tăng hơn 10 USD/thùng, mức tăng chưa từng có trong một ngày và đạt kỷ lục hơn 139 USD/thùng.

Dự báo mức lạm phát năm 2008 tại nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ) vào khoảng 5-5,5%; nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ (Brazil) 5%; Argentina 8,9%; Ấn Độ 7,8%; Singapore 7,5%; Philippines 8,3%; Trung Quốc 8,5%; Nam Phi 10%; Nga 14%. Tại Venezuela, một trong những nước sản xuất dầu mỏ lớn của thế giới, mức lạm phát có thể lên tới 35%. Quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu khác là Iran có mức lạm phát trong tháng 5 là 25,3%.

Các nước đang phát triển có tỷ lệ lạm phát cao hơn so với mức trung bình của thế giới. Để duy trì mức lạm phát vừa phải, chính phủ nhiều nước phải “dốc hầu bao” hỗ trợ giá nhiên liệu. Theo tính toán, năm nay Ấn Độ chi tổng cộng 37 tỉ euro, tương đương 3% GDP, để trợ giá xăng dầu trong khi nước này phải nhập tới 70% lượng nhiên liệu tiêu thụ. Chịu không thấu, New Delhi mới đây tuyên bố sẽ sớm cắt giảm trợ giá nhiên liệu bằng cách nâng giá xăng dầu lên từ 8-17%. Tại các nền kinh tế mới nổi khác như Trung Quốc và Nga, chính phủ quyết định tăng lương 18-20% để góp phần “gỡ rối” cho bộ phận cư dân có thu nhập thấp. Hàn Quốc cũng vừa công bố kế hoạch trị giá 10,3 tỉ USD, vừa trợ cấp xăng dầu vừa giảm thuế cho doanh nghiệp và người dân trong vòng một năm.

Tuy nhiên, không phải chính phủ nào cũng có đủ ngân sách để hỗ trợ dân nghèo trước cơn vật giá leo thang. Vì thế, tại diễn đàn các nhà đầu tư quốc tế vừa diễn ra ở St. Petersburg (Nga), các doanh nghiệp và chính trị gia đều có chung nhận xét rằng lạm phát đang là “mối đe dọa lớn nhất” đối với nền kinh tế toàn cầu. Lạm phát cao khiến lòng tin của người tiêu dùng suy giảm và làm kinh tế khó phát triển. Trong khi đó, các “liệu pháp sốc” như thắt chặt tín dụng tại khu vực đồng euro, Brazil và nhiều quốc gia khác trong nỗ lực duy trì mức lạm phát thấp cũng có tác động kiềm hãm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh như vậy, các nhà phân tích cho rằng bên cạnh các biện pháp cấp bách hỗ trợ người nghèo và tăng cường kiểm soát kinh tế vĩ mô ở mỗi nước thì cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước và tổ chức quốc tế. Tăng cường đầu tư cho nông nghiệp như kêu gọi của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon là một trong những biện pháp mang lại hiệu quả. Và để giảm sức ép của giá dầu, tại hội nghị an ninh năng lượng của nhóm G8 cùng với Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc diễn ra ở Aomori (Nhật Bản) ngày 8-6, các Bộ trưởng Năng lượng kêu gọi thế giới thúc đẩy thực hiện các chính sách khuyến khích áp dụng các biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, thực hành tiết kiệm năng lượng, cũng như tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế.

PHÚC NGUYÊN (Theo Le Monde, AP, Reuters)

Chia sẻ bài viết