22/12/2020 - 05:51

Thấy gì qua ngân sách quốc phòng cao kỷ lục của Nhật? 

Đất nước Mặt trời mọc ngày 21-12 đã phê duyệt ngân sách quốc phòng trị giá 51,7 tỉ USD cho tài khóa mới, bắt đầu từ tháng 4-2021. Con số này tăng 1,1% so với năm 2020 và là lần tăng thứ chín liên tiếp.

Maya, khu trục hạm trang bị hệ thống Aegis của Nhật Bản. Ảnh: Mainichi

Maya, khu trục hạm trang bị hệ thống Aegis của Nhật Bản. Ảnh: Mainichi

Theo kế hoạch phân bổ ngân sách, Chính phủ Nhật sẽ chi 706 triệu USD cho dự án phát triển chiến đấu cơ tàng hình mới F-X (thay thế phi đội F-2 cũ kỹ), có thể sẵn sàng hoạt động vào thập niên 2030. Dự án do Tập đoàn công nghiệp Mitsubishi Heavy Industries của Nhật phối hợp với Hãng sản xuất vũ khí Lockheed Martin của Mỹ thực hiện. Tổng kinh phí của dự án này trong những năm tới ước tính khoảng 40 tỉ USD. Ngoài ra, Tokyo sẽ rót 323 triệu USD vào chương trình phát triển tên lửa chống hạm tầm xa (nhằm bảo vệ chuỗi đảo Okinawa ở phía Tây Nam Nhật Bản), 628 triệu USD để mua 6 chiến đấu cơ tàng hình F-35. Trong số các tiêm kích này, có 2 biến thể cất cánh ở đường băng ngắn và hạ cánh theo kiểu thẳng đứng và chúng sẽ hoạt động trên Izumo - chiến hạm lớn nhất của Lực lượng Phòng vệ Biển được hoán cải thành tàu sân bay.

Bên cạnh đó, quân đội Nhật cũng sẽ nhận được 912 triệu USD để đóng 2 tàu chiến nhỏ gọn có thể hoạt động với số thủy thủ ít hơn so với các tàu khu trục thông thường, giảm bớt sức ép lên lực lượng hải quân vốn đang chật vật tuyển tân binh trong bối cảnh dân số nước này ngày càng già. Chưa hết, Nhật Bản còn muốn sở hữu thêm 2 tàu chiến được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis mới của Mỹ, thay thế cho kế hoạch triển khai hệ thống này trên đất liền đã bị hủy hồi tháng 6 do vấp phải sự phản đối của người dân địa phương. Radar của hệ thống Aegis mới sẽ có tầm hoạt động lớn gấp 3 lần so với các Aegis cũ. Ước tính chi phí của kế hoạch này lên tới 4,8 tỉ USD, cao hơn kế hoạch bị hủy gần 1 tỉ USD. Không như hệ thống Aegis trên đất liền, Aegis trên tàu chiến có thể được triển khai đến nhiều khu vực khác nhau tùy vào tình hình. Hiện Nhật có 8 chiến hạm trang bị Aegis.

Với việc đảng cầm quyền của Thủ tướng Yoshihide Suga chiếm đa số tại Quốc hội, ngân sách quốc phòng nói trên gần như chắc chắn được thông qua. Đúng như cam kết, ông Suga tiếp tục chính sách mở rộng tiềm lực quân sự mà người tiền nhiệm Shinzo Abe đã theo đuổi, nhằm trang bị cho lực lượng nước này các hàng không mẫu hạm, chiến đấu cơ và tên lửa mới có tầm bắn xa hơn và đáng gờm hơn để ngăn chặn những đối thủ tiềm tàng, bao gồm Trung Quốc và Triều Tiên. Trước đó, các nghị sĩ đối lập Nhật Bản lo ngại việc sở hữu tên lửa chống hạm tầm xa mới sẽ đi ngược lại Hiến pháp hòa bình vốn giới hạn năng lực quân sự nước này trong phạm vi tự vệ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi lập luận rằng Nhật Bản phải “phản ứng” trước những hoạt động trên biển ngày càng gia tăng của Trung Quốc xung quanh các đảo ở Tây Nam Nhật Bản. Việc chế tạo các tên lửa này phải mất 5 năm mới hoàn thành, trong khi Bộ Quốc phòng Nhật cũng sẽ nâng tầm bắn của các tên lửa diệt hạm đang được phát triển (có thể lên tới 900km).

Theo Trung tướng Kevin Schneider, Chỉ huy lực lượng Mỹ tại Nhật Bản, các chiến đấu cơ Nhật trong năm 2020 đã thực hiện 600 lần xuất kích để phản ứng trước các hoạt động của Trung Quốc xung quanh nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông - nơi tranh chấp giữa Tokyo và Bắc Kinh. Được biết, Trung Quốc trong năm nay dự định tăng ngân sách quốc phòng thêm 6,6% lên 180 tỉ USD. Theo ước tính, Trung Quốc sở hữu khoảng 2.000 tên lửa tầm trung có khả năng bắn đến Nhật Bản.

HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết