26/06/2024 - 15:48

Vĩnh Thạnh

Tăng cường tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến 

Gần 1 năm thực hiện mô hình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thông qua dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), không tiếp nhận trực tiếp, có cam kết rút ngắn thời gian giải quyết, UBND huyện Vĩnh Thạnh đã gặt hái một số kết quả tích cực. Số lượng hồ sơ, TTHC tiếp nhận, giải quyết thông qua DVCTT phát sinh nhiều, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính ở địa phương.

Công chức Địa chính - Xây dựng UBND xã Thạnh Quới tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của người dân thông qua DVCTT.

Thông qua DVCTT, bà Nguyễn Thị T ở xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh vừa hoàn tất TTHC ở lĩnh vực tư pháp, thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện. Bà T phấn khởi nói: “Tôi đã thực hiện xong thủ tục ghi vào sổ hộ tịch việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Nếu như trước đây, tôi nộp trực tiếp thủ tục này thì thời gian giải quyết là 12 ngày làm việc. Thực hiện thông qua DVCTT, thời gian giải quyết được rút ngắn xuống còn 7 ngày làm việc. Bên cạnh đó, khi gửi hồ sơ qua DVCTT, tôi có thể giao dịch bất kỳ thời gian nào trong ngày, tại bất cứ đâu có kết nối internet. Cách làm này đã khuyến khích người dân thực hiện nộp hồ sơ thông qua DVCTT”.

Thí điểm mô hình tiếp nhận, giải quyết TTHC thông qua DVCTT, không tiếp nhận trực tiếp, có cam kết rút ngắn thời gian giải quyết, UBND huyện Vĩnh Thạnh đã lựa chọn thực hiện 24 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các phòng chuyên môn và UBND huyện. Cụ thể, Phòng Kinh tế và Hạ tầng có 11 TTHC; Phòng Giáo dục và Ðào tạo có 2 TTHC; Phòng Tư pháp có 4 TTHC; Phòng Tài chính - Kế hoạch có 3 TTHC; Phòng Văn hóa và Thông tin có 4 TTHC. Ðặc biệt, thời gian giải quyết đối với 24 TTHC này sẽ được rút ngắn từ 1-5 ngày làm việc.  

Theo Phòng Nội vụ huyện Vĩnh Thạnh, việc triển khai thực hiện mô hình này nhằm nâng cao số lượng sử dụng DVCTT (một phần, toàn trình) và dịch vụ bưu chính công ích trong tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC. Việc triển khai một số dịch vụ không tiếp nhận hồ sơ bản giấy, chỉ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến đối với những TTHC khả thi, phù hợp trong tiếp cận, thực hiện dịch vụ của đối tượng người dân, tổ chức sử dụng... Khi có nhu cầu, tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ thực hiện TTHC qua Cổng dịch vụ công TP Cần Thơ tại địa chỉ: http://dichvucong.cantho.gov.vn hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ: http//dichvucong.gov.vn.

Ðể thực hiện mô hình này hiệu quả, các phòng, ban, ngành và UBND các xã, thị trấn của huyện Vĩnh Thạnh đã phối hợp tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của tổ chức, cá nhân. Ðồng thời, quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị khi có nhu cầu thực hiện TTHC thì không nộp hồ sơ giấy đối với 24 TTHC trên và thực hiện việc thanh toán trực tuyến đối với phí, lệ phí giải quyết TTHC (nếu có). Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Huyện đoàn hỗ trợ, tổ chức đội thanh niên tình nguyện tham gia vào hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ người dân sử dụng DVCTT, thanh toán trực tuyến trong thực hiện TTHC…   

Ông Nguyễn Quốc Nam, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Tôi thấy mô hình này rất tiện ích. Sử dụng DVCTT giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả của các tổ chức, cá nhân; đặc biệt là tránh được tệ nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà từ một bộ phận cán bộ công quyền; tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, mô hình này nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ công chức được phân công xử lý hồ sơ TTHC. Tuy nhiên, bước đầu triển khai trên địa bàn xã cũng gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân do đa số người dân đã quen với việc tiếp nhận và trả hồ sơ giấy trực tiếp, hạn chế về công nghệ thông tin... Chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện TTHC thông qua DVCTT để dần tháo gỡ khó khăn này”.

Theo ông Cao Văn Ngoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, sau thời gian thực hiện, mô hình tiếp nhận, giải quyết TTHC thông qua DVCTT, không tiếp nhận trực tiếp, có cam kết rút ngắn thời gian giải quyết, huyện đã gặt hái một số kết quả tích cực. Số lượng hồ sơ, TTHC tiếp nhận, giải quyết thông qua DVCTT phát sinh nhiều so với trước đây. Mô hình này được xem là một trong các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chỉ số PAR INDEX, chỉ số PAPI, giúp nâng cao tần suất sử dụng DVCTT một phần, toàn trình và dịch vụ bưu chính công ích trong tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC cho người dân…

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết