25/08/2021 - 21:18

Taliban xúc tiến thành lập chính phủ mới 

Hiện Taliban đang trong quá trình hình thành chính phủ mới sau khi kiểm soát được Kabul. Nguồn thạo tin hôm 24-8 tiết lộ Taliban đã lập ra một hội đồng gồm 12 thành viên để điều hành đất nước.

Đồng sáng lập Taliban Ghani Baradar (giữa) nằm trong hội đồng điều hành Afghanistan. Ảnh: ANI News

Theo Ðài Sputnik, đến nay đã có 7 nhân vật đồng ý tham gia hội đồng. Những người này gồm Abdul Ghani Baradar (đồng sáng lập và là nhân vật số hai của Taliban, cũng là lãnh đạo văn phòng chính trị của Taliban tại Qatar), Mawlavi Yaqoob (con trai nhà sáng lập Taliban Mullah Omar), thành viên cấp cao của mạng lưới Haqqani là Khalil-ur-Rehman Haqqani, Chủ tịch Hội đồng Hòa giải Dân tộc Tối cao Abdullah Abdullah, cựu Tổng thống Hamid Karzai, cựu Bộ trưởng Nội vụ Hanif Atmar và lãnh đạo đảng Islam Gulbuddin Hekmatyar.

Hiện nay, các cuộc thảo luận đang diễn ra khẩn trương để chỉ định 5 thành viên còn lại. Nguyên soái quân đội Afghanistan Abdul Rashid Dostum và cựu Thống đốc tỉnh Balkh, ông Atta Mohammad Noor có thể sẽ không tham gia hội đồng này. Tuy nhiên, người phát ngôn của Taliban không đề cập tới nhân vật số 1 của nhóm này là Haibatullah Akhundzada. Theo Hãng tin Reuters, như vậy, nhiều khả năng ông Akhundzada sẽ đóng vai trò lãnh tụ tối cao, vị trí cao hơn người đứng đầu hội đồng lãnh đạo nói trên, trong khi một cấp phó của ông này dự kiến giữ chức tổng thống. Thủ lĩnh tối cao Akhundzada hiện có 3 “phó tướng” gồm Mawlavi Yaqoob, Sirajuddin Haqqani - thủ lĩnh mạng lưới Haqqani và Ghani Baradar.

Cấu trúc quyền lực trên cho thấy nhiều nét tương đồng với cách thức Taliban lãnh đạo Afghanistan trong giai đoạn 1996-2001, trước khi chính quyền này bị Mỹ và liên quân lật đổ. Khi đó, nhà sáng lập Taliban Mullah Omar là thủ lĩnh tối cao và ông nhường quyền điều hành đất nước cho một hội đồng. Hồi tuần rồi, trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát đất nước, phát ngôn viên của lực lượng này khẳng định họ sẽ áp dụng luật Hồi giáo để điều hành Afghanistan và sẽ không có thể chế dân chủ tại nước này.

Các vị trí trong nội các dần lộ diện

Song song đó, Taliban cũng đã bổ nhiệm một số thành viên vào vị trí lãnh đạo các bộ. Cụ thể, Taliban đã bổ nhiệm ông Gul Agha làm Bộ trưởng Tài chính và ông Sadr Ibrahim làm quyền Bộ trưởng Nội vụ. Nhân vật có tên Sakhaullah được bổ nhiệm làm quyền lãnh đạo Bộ Giáo dục và Abdul Baqi là quyền lãnh đạo Bộ Ðại học. Giám đốc cơ quan tình báo sẽ là Najibullah, còn ông Mullah Shirin làm Thống đốc Kabul. Ghế thị trưởng của thành phố thủ đô thuộc về Hamdullah Nomani.

Ðáng nói, phong trào này cũng đã bổ nhiệm giáo sĩ Hồi giáo Abdul Qayyum Zakir làm quyền Bộ trưởng Quốc phòng. Ông Zakir, 48 tuổi, từng bị quân đội Mỹ bắt sau khi họ tiến vào Afghanistan để lật đổ chính quyền Taliban năm 2001. Ông được phóng thích khỏi nhà tù Guatanamo vào năm 2007 sau khi nói với giới chức Mỹ rằng mình không có ý định trở lại chiến trường.

Trước đó, Taliban đã chỉ định nhân vật ít được biết đến là Mohammad Idris làm quyền Thống đốc Ngân hàng Trung ương. Trước đây, ông Idris là lãnh đạo ủy ban kinh tế của Taliban. Ðơn vị này hoạt động trong 20 năm qua, chủ yếu thu thuế từ các doanh nghiệp và nông dân để làm ngân quỹ cho hoạt động quân sự. Việc chỉ định Mohammad Idris được kỳ vọng sẽ giúp lập lại trật tự cho nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá. Theo Hãng tin Bloomberg, giá thực phẩm thiết yếu đã tăng đến 35% trong tuần qua tại Afghanistan. Các ngân hàng, nhà thuốc trên khắp Kabul gần như đóng cửa hoàn toàn do tình hình an ninh bất ổn trong khi nhiều văn phòng chính phủ bị bỏ trống.

Cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ajmal Ahmady nhận định chính quyền Taliban sẽ đối diện với hàng loạt cú sốc, dẫn đến suy yếu tiền tệ, lạm phát tăng nhanh và phải kiểm soát vốn. Trong khi đó, do quan ngại sâu sắc tình hình tại Afghanistan, Ngân hàng Thế giới (WB) đã quyết định ngừng viện trợ cho quốc gia Tây Nam Á này. WB có hơn 20 dự án phát triển đang được thực hiện tại Afghanistan và đã cung cấp cho nước này 5,3 tỉ USD từ năm 2002, chủ yếu dưới dạng viện trợ.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết