08/11/2021 - 05:33

Taliban vất vả đối phó IS 

Trong 2 tháng kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan, ISIS-K, nhánh của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) tại quốc gia Tây Nam Á này, đã gia tăng các cuộc tấn công trên khắp cả nước, gây khó cho chính quyền mới.

Lực lượng an ninh Taliban đang phải căng mình chống IS. Ảnh: AFP

Lực lượng an ninh Taliban đang phải căng mình chống IS. Ảnh: AFP

Chỉ riêng trong khoảng thời gian từ ngày 18-9 đến 28-10, IS đã thực hiện ít nhất 54 vụ tấn công, bao gồm đánh bom liều chết, ám sát và phục kích các chốt kiểm soát an ninh. Đây là một trong những giai đoạn hoạt động tích cực nhất của IS tại Afghanistan. Phần lớn các vụ tấn công nhắm vào lực lượng an ninh Taliban, đánh dấu sự thay đổi so với 7 tháng đầu năm nay khi nạn nhân của IS chủ yếu là dân thường.

Hôm 2-11, 25 người, trong đó có một chỉ huy cấp cao của Taliban, đã thiệt mạng trong vụ tấn công của IS vào bệnh viện quân y lớn nhất Afghanistan ở thủ đô Kabul. 

Taliban rơi vào thế khó

Tình trạng bạo lực trên đã đẩy Taliban vào tình thế bấp bênh. Sau 20 năm chiến đấu với tư cách quân nổi dậy, phong trào Hồi giáo này giờ đây đang vật lộn với việc đảm bảo an ninh và thực hiện cam kết về luật pháp và trật tự. Taliban đối mặt với thách thức thực sự khi họ phải tìm cách bảo vệ chính mình và dân thường tại các thành phố đông đúc trước những cuộc tấn công gần như mỗi ngày bằng đội quân vốn chỉ được huấn luyện cho chiến tranh du kích ở vùng nông thôn.

Sau khi từ chối hợp tác với Mỹ để chống IS, Taliban đang phát động cuộc chiến theo cách của họ, với những chiến thuật và chiến lược có tính chất bản địa hơn nhiều so với chiến dịch chống khủng bố của một chính phủ. “Taliban đã quen với việc chiến đấu như quân nổi dậy, dựa vào một loạt cuộc tấn công bất đối xứng nhằm vào các lực lượng Afghanistan và Mỹ. Nhưng rõ ràng Taliban đã không tính tới cán cân sẽ thay đổi khi đứng ở vị trí chống phe nổi dậy và đây chính xác là vai trò mà họ đang thực hiện để đối phó IS”, Colin P. Clarke, nhà phân tích chống khủng bố tại Công ty tư vấn an ninh Soufan Group (Mỹ), nhận định.

Trước đó, hồi đầu tháng 9, Tướng Mark Milley - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ - từng phát biểu với báo giới rằng Washington “có thể” hợp tác với Taliban trong nỗ lực chống khủng bố ở Afghanistan. Đáp lại, người phát ngôn chính trị của Taliban Suhail Shaheen tuyên bố: “Chúng tôi có thể tự đối phó với IS”.

Trong bối cảnh đang tìm kiếm sự công nhận từ quốc tế, Taliban cũng sử dụng sự trỗi dậy của các nhóm khủng bố như con bài mặc cả để có thêm viện trợ tài chính. Lực lượng này muốn nhắc nhở các nước khác rằng IS hồi sinh cũng đặt ra mối đe dọa đối với họ.

Sau khi rút quân khỏi Afghanistan hồi tháng 8, Mỹ đã bỏ rơi một số cựu thành viên của cơ quan tình báo và các đơn vị quân sự tinh nhuệ thuộc chính quyền cũ. Tuy nhiên, do đang bị Taliban săn lùng cộng với hấp lực tài chính từ ISIS-K, những người này đã gia nhập tổ chức Hồi giáo cực đoan. Số người đào tẩu sang ISIS-K tương đối nhỏ nhưng đang gia tăng. Họ có thể giúp IS nâng cao năng lực chuyên môn trong thu thập tình báo và tác chiến, từ đó tăng cường khả năng đối đầu Taliban.

HẠH NGUYÊN (Theo Washington Post)

Chia sẻ bài viết