24/08/2021 - 10:32

Taliban vấp phải phản kháng 

Ahmad Massoud, lãnh đạo phong trào Mặt trận kháng chiến quốc gia (NRF) chống Taliban, cảnh báo sẽ xảy ra nội chiến nếu lực lượng Hồi giáo này không đàm phán chia sẻ quyền lực. NRF là một trong nhiều lực lượng kháng chiến đang nổi lên ở miền Bắc Afghanistan.

Các thành viên phong trào NRF ở miền Bắc Afghanistan. Ảnh: AFP

Kênh truyền hình al-Arabiya hôm 22-8 dẫn lời ông Massoud kêu gọi thành lập một chính phủ có sự tham gia của Taliban và mọi thành phần dân tộc để điều hành Afghanistan, đồng thời cảnh báo sẽ “không tránh khỏi” chiến tranh nếu Taliban từ chối đối thoại. Ông Massoud cho biết các lực lượng chống Taliban đang tập hợp lực lượng từ nhiều tỉnh khác nhau và đang dồn về thung lũng Panjshir, cách thủ đô Kabul khoảng 150km về phía Ðông Bắc. Massoud là con trai của Ahmad Shah Massoud, một trong những thủ lĩnh hàng đầu của phong trào Liên minh Phương Bắc từng đối đầu với Taliban cho đến khi Taliban bị Mỹ lật đổ năm 2001.

Theo phát ngôn viên Ali Maisam Nazary của NRF, kể từ khi Taliban tiến vào Kabul và giành quyền kiểm soát đất nước hôm 15-8, hàng ngàn người đã tập trung tại Panjshir để tham gia chiến đấu cũng như tìm nơi an toàn để sống tiếp. Nazary cho biết, tại đây ông Massoud đã tập hợp lực lượng chiến đấu khoảng 9.000 người. Lực lượng của Massoud gồm các binh sĩ chính phủ và đặc nhiệm Afghanistan cùng dân quân địa phương. Mục tiêu của NRF là tránh đổ máu và thúc đẩy thành lập chính phủ mới. Tuy nhiên, ông Nazary khẳng định tổ chức này đã chuẩn bị cho “cuộc xung đột dài hạn” và Taliban sẽ đối diện sự phản kháng trên cả nước nếu không đàm phán.

Tuần rồi, ông Massoud đã kêu gọi cộng đồng quốc tế trợ giúp chống Taliban sau khi Mỹ quyết định rút hết quân khỏi quốc gia Tây Nam Á. Trong bài viết đăng trên tờ Washington Post, vị chỉ huy trẻ này cho rằng các tay súng dưới quyền ông sẵn sàng chiến đấu nhưng cần thêm vũ khí, đạn dược và các nguồn cung hậu cần khác. Trong bối cảnh hàng trăm tay súng Taliban được cho là đang tiến về thung lũng Panjshir, Massoud khẳng định những người ủng hộ mình sẵn sàng chiến đấu nếu Taliban tìm cách chiếm Panjshir.

Liên minh chống Taliban

Tọa lạc trên dãy núi Hindu Kush (phần kéo dài của Himalaya), pháo đài tự nhiên của thung lũng Panjshir đã trở thành một thành trì của phe đối lập suốt nhiều thập kỷ nay, chống lại Taliban khi nhóm này cai trị Afghanistan giai đoạn 1996-2001. Giờ đây, tại thung lũng này, không chỉ ông Massoud mà một số nhà lãnh đạo chính trị, quân sự có liên hệ với cả chính phủ vừa bị lật đổ và lực lượng kháng chiến cũ cũng đang tập hợp quân số.

Một trong số họ là cựu Phó Tổng thống thứ nhất của Afghanistan Amrullah Saleh. Không giống như cựu Tổng thống Ashraf Ghani và nhiều quan chức cấp cao khác rời khỏi đất nước khi Taliban giành quyền kiểm soát Kabul hôm 15-8, ông Saleh đã quyết định ở lại và tự xưng là “Tổng thống lâm thời hợp pháp”, đồng thời đến thung lũng Panjshir, ra sức tập hợp lực lượng để chống lại Taliban. Ngày 18-8, lá cờ “Liên minh Phương Bắc” hay “Mặt trận Hồi giáo thống nhất cứu quốc”, phong trào chống Taliban, đã tung bay ở Panjshir lần đầu tiên kể từ năm 2001.

Trả lời phỏng vấn của tờ New York Times, ông Saleh nói muốn đối thoại hòa bình với Taliban, nhưng khẳng định không e ngại chiến đấu. Vị này từ chối tiết lộ bí mật quân sự cũng như thông tin về hoạt động tại thung lũng, nhưng khẳng định lực lượng của ông “đang kiểm soát tốt tình hình và tổ chức mọi thứ” cũng như liên lạc với các lãnh đạo đã tham gia chống Taliban cách đây 2 thập niên. Cựu quyền Bộ trưởng Quốc phòng Bismillah Mohammadi và một số nhân vật khác trong lực lượng đặc nhiệm của Afghanistan cũng đã thề sát cánh với ông Saleh. Hai ông Saleh và Mohammadi từng là thành viên của Liên minh Phương Bắc. Cựu Phó Tổng thống Saleh cũng đã gặp Massoud và cả hai đang muốn tập hợp lực lượng để xây dựng một phong trào du kích chống Taliban.

Kênh truyền hình địa phương Tolo ngày 22-8 đưa tin lực lượng phản kháng Taliban đã giành được 3 huyện ở tỉnh Baghlan ở miền Bắc Afghanistan, tiêu diệt 30 tay súng Taliban và bắt giữ 20 người khác. Tuy nhiên, sau đó Taliban tái chiếm một huyện trong số này. Hiện vẫn xảy ra các cuộc giao tranh giữa hai bên. Ðây là cuộc phản kháng đầu tiên chống lại Taliban kể từ khi Kabul thất thủ.

Đụng độ ở sân bay Kabul

Ngày 23-8, đụng độ đã nổ ra giữa các tay súng chưa xác định được danh tính với lực lượng an ninh phương Tây, cùng các bảo vệ người Afghanistan tại Cửa Bắc của sân bay ở Kabul, trong bối cảnh hàng ngàn người nước ngoài và người địa phương đang sơ tán khỏi nước này. Trong một tuyên bố đăng trên Twitter, quân đội Đức cho biết 1 bảo vệ người Afghanistan đã thiệt mạng và 3 người bị thương trong vụ đụng độ, có cả sự tham gia của các lực lượng Mỹ và Đức. Tuy nhiên, tuyên bố không cho biết bảo vệ người Afghanistan thiệt mạng có phải do lực lượng Taliban cử đến để bảo vệ sân bay hay không. 

Kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát Kabul, sân bay ở thành phố này rơi vào cảnh hỗn loạn trong bối cảnh các lực lượng Mỹ và quốc tế nỗ lực sơ tán công dân và người dân địa phương dễ bị tổn thương. Theo hãng tin Reuters, ngày 22-8, các tay súng Taliban đã đánh lại đám đông ở sân bay, một ngày sau khi 7 người Afghanistan thiệt mạng do xô đẩy ở các cửa sân bay trong bối cảnh thời hạn chót rút quân của binh sĩ nước ngoài đang đến gần.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết