Theo một báo cáo vừa được công bố, sự chiếm đóng của Israel đối với khu Bờ Tây và Dải Gaza gây tổn thất cho nền kinh tế Palestine bình quân 4,4 tỉ USD mỗi năm, tương đương khoảng 85% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của vùng lãnh thổ này. Nói cách khác, nếu không bị chiếm đóng, kinh tế Palestine lớn mạnh gấp đôi hiện giờ và có thể giảm lệ thuộc vào nguồn tài trợ của cộng đồng quốc tế.
|
Nông dân Palestine thu dọn những cành ôliu của mình bị những người Israel đốn bỏ.
Ảnh: Guardian. |
Được phối hợp biên soạn bởi Bộ kinh tế Palestine và Viện Nghiên cứu Ứng dụng - tổ chức tư vấn độc lập ở Jerusalem, báo cáo là nỗ lực đầu tiên nhằm xác định mức tổn thất hàng năm của sự chiếm đóng đối với kinh tế Palestine. Cũng như tác động bất lợi của nó đối với kinh tế Palestine, “hoạt động chiếm đóng” cho phép chính quyền và các công ty thương mại Israel hưởng lợi từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và tiềm năng du lịch của Palestine - báo cáo cho biết.
“Không kể những gì mà người Palestine đạt được bằng nỗ lực của mình, việc chiếm đóng ngăn chúng tôi khai thác tiềm năng kinh tế như một người tự do đang ở trên đất nước mình”, Bộ trưởng kinh tế Hasan Abu Libdeh nói, đồng thời cho rằng cộng đồng quốc tế nên hiểu lý do Israel không hăng hái đối với tiến trình hòa bình chính là những lợi ích mà họ có được khi chiếm đóng các vùng lãnh thổ của người Palestine.
“Tổng mức tổn thất mà chúng tôi có thể đánh giá là 6,897 tỉ USD năm 2010, chiếm 84,9% GDP của Palestine”, báo cáo cho biết. Phần lớn thiệt hại không đến từ mối lo về an ninh, mà từ những áp đặt khắt khe đối với người dân Palestine, ngăn họ tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà Israel đang khai thác như nước, khoáng sản, đá quý và đất đai. Báo cáo cũng nêu cụ thể mức thiệt hại kinh tế như sau: việc phong tỏa Dải Gaza (1,9 tỉ USD), hạn chế về nước (1,9 tỉ USD), hạn chế nguồn tài nguyên thiên nhiên (1,8 tỉ USD), hạn chế xuất-nhập khẩu (288 triệu USD), hạn chế đi lại (184 triệu USD), và hạn chế khai thác tiềm năng Biển chết (143 triệu USD). Đó là chưa kể các cuộc pháo kích từ phía Israel làm thiệt hại nặng nề đến tài sản và cơ sở hạ tầng của người Palestine.
Các doanh nghiệp Israel còn hưởng lợi từ việc khai thác quặng và đá ở khu Bờ Tây. Nguồn nước ở khu vực này cũng được dẫn đến các khu định cư, công nghiệp và nông nghiệp của người Israel. Báo cáo cho biết Israel khai thác nguồn nước từ 3 mạch nước ngầm khu Bờ Tây nhiều gấp 10 lần Palestine. Từ năm 1967 đến nay, khoảng 2,5 triệu cây cối, bao gồm những tán rừng ôliu nhỏ, đã bị Israel đốn hạ để xây dựng cơ sở hạ tầng, khu tái định cư và hàng rào chia cách. Ước tính trung bình hàng năm, một cây ôliu trưởng thành cho 70 kg trái với giá khoảng 1,1 USD/kg. Điều đáng nói nữa là nông dân Palestine bị mất đất hoặc không bao giờ được sử dụng nó. Theo Bộ trưởng Abu Libdeh, 620.000 người Israel ở khu Bờ Tây và Đông Jerusalem canh tác 64 triệu mét vuông đất, trong khi 4 triệu dân Palestine ở khu Bờ Tây chỉ sử dụng có 100 triệu mét vuông.
Bộ trưởng Abu Libdeh cho biết chính quyền Palestine muốn xây dựng một nhà nước độc lập và bền vững, có khả năng về kinh tế, môi trường trong sạch và xã hội hợp pháp. Nhưng dưới sự chèn ép của Israel, Palestine không thể độc lập. “Để Palestine phát triển độc lập và bền vững, hoạt động chiếm đóng phải bị chấm dứt”, ông Abu Libdeh nhấn mạnh.
THANH TRÚC (Theo Guardian, JTA)