01/02/2008 - 22:47

"Sắc Xuân miệt vườn" - Ngày hội nghề truyền thống

“Sắc Xuân miệt vườn” là một chương trình triển lãm “động”, trình diễn kỹ thuật nghề thủ công truyền thống và ẩm thực đặc trưng dân tộc Việt, Hoa, Khmer, nhằm bảo tồn, tôn vinh các nghề thủ công truyền thống và những nghệ nhân. Chương trình diễn ra từ ngày 28-1 đến 3-2-2008 tại Bảo tàng TP Cần Thơ.

 Nghệ nhân Trương Thị Đẳng và Võ Xuân Thủy đang trình diễn kỹ thuật dệt chiếu Cái Chanh. Ảnh: THÚY DIỄM

Lần đầu tiên được Bảo tàng TP Cần Thơ tổ chức, chương trình “Sắc Xuân miệt vườn” với sự tham gia của 14 nghệ nhân của 9 loại hình văn hóa phi vật thể: kỹ thuật đan đát, dệt chiếu, đan lọp, gói bánh tét ngũ sắc, chiên bánh xèo của người Việt; kỹ thuật làm bánh gừng, giã cốm dẹp của người Khmer; nghệ thuật hấp bánh hồng đào và gõ bánh in của người Hoa, đến từ các quận, huyện trong TP Cần Thơ. Dịp này, các nghệ nhân đến từ các làng nghề trưng diễn những tuyệt kỹ tinh tế, sắc sảo của các loại hình văn hóa, giao lưu, quảng bá nghề nghiệp của mình, người tham quan mắt thấy tai nghe, cảm nhận sự khác nhau giữa lịch sử các làng nghề, nguồn nguyên liệu, công cụ và quy trình sản xuất đặc trưng của mỗi dân tộc cùng sống trên một vùng đất.

Không gian của triển lãm là các ngôi nhà lá Nam bộ dựng lên trong khuôn viên Bảo tàng TP Cần Thơ, trưng bày dụng cụ và các chất liệu, các công đoạn sản xuất truyền thống và những nghệ nhân liên tục thao diễn nghề. Nghệ nhân Trương Thị Đẳng và Võ Xuân Thủy (phường Thường Thạnh, quận Cái Răng) trình diễn dệt chiếu Cái Chanh - nằm trong Chương trình bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Bộ Văn hóa Thông tin năm 2006. Chiếu Cái Chanh là một sản phẩm truyền thống ở phường Thường Thạnh. Ngày nay, cơ cấu kinh tế chuyển đổi, diện tích cây bố, cây lác thu hẹp dần, nên người dệt chiếu Cái Chanh phải dùng dây nylon thay dây trân (dây viền) bằng bố. Chiếu có dây trân bằng nylon sẽ bền hơn, nhưng sau một thời gian sử dụng, sẽ bị rút lại. Dụng cụ dệt chiếu đơn giản gồm khung dệt với những bộ phận tách rời nhau như cọc nêm, thanh đòn, bàn dập, ghế ngồi, cây chuồi và những dụng cụ hỗ trợ khác như: dao cạo bố, bàn xé bố, bàn chấp trân, dao chẻ lác... Công việc dệt chiếu đòi hỏi sự khéo léo và tính kiên trì của người thợ. Mỗi công đoạn cần hai người làm. Để tạo ra một chiếc chiếu cân đối và phẳng mặt, cần có sự phối hợp nhịp nhàng của hai người. Điểm đặc biệt của chiếu Cái Chanh khác với chiếu các nơi khác là chiếu rất trơn, dệt bằng sợi lác nhỏ, mịn và có độ trắng, sáng bóng.

Cũng là một nghề nằm trong Chương trình bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể năm 2006, nghề đan lọp Dì Tho được giới thiệu bởi nghệ nhân Lê Minh Điện và Nguyễn Thị Yến Ly (ở phường Thới Long, quận Ô Môn). Lọp dùng cho việc bắn tép. Nguyên liệu chính làm lọp là tre và trúc. Tre được ưa chuộng hơn vì có độ bền lâu. Để có một chiếc lọp hoàn chỉnh phải trải qua khá nhiều công đoạn: cưa tre, ra nan, dệt manh, bện hom, bện đít, vô lọp...

Khách tham quan rất cảm phục đôi tay khéo léo của nghệ nhân Trần Văn Năm và Nguyễn Thị Xiếu (phường Thới Long, quận Ô Môn) đan các sản phẩm thúng, nia, sề... Quá trình hoàn thành một sản phẩm, trải qua 4 giai đoạn: đan, đát, lận và nức và chỉ làm bằng tay. Trong quá trình sản xuất, nguyên liệu cần phải giữ tươi để được dẻo dai khi thao tác nên người thợ phải mỗi lần làm nhúng nước nguyên liệu nhiều lần. Sản phẩm thúng, nia, sề... được đẹp phụ thuộc vào nan vót đều, nhẵn, đan chặt...

“Sắc Xuân miệt vườn” còn trình bày một không gian ẩm thực Nam bộ phong phú và đa dạng. Từ những món ăn quen thuộc của người Việt ở Nam bộ, như: bánh tét, bánh xèo..., còn có những món chỉ xuất hiện trong các dịp lễ, Tết của người Hoa, người Khmer, như: bánh hồng đào, bánh in, bánh gừng, cốm dẹp... thể hiện dấu ấn của quá trình cộng cư, chung sống giữa các dân tộc trên vùng Đồng bằng Cửu Long. Em Tăng Anh Thư, sinh viên Trường Cao đẳng Cần Thơ, cho biết: “Em là người Hoa. Đến đây tham quan, em hoàn toàn bất ngờ và lạ lẫm, cách làm bánh hồng đào của người Hoa không như tưởng tượng của em... Mong sao các chương trình này diễn ra thường xuyên để lớp trẻ chúng em hiểu thêm về bản sắc dân tộc mình cũng như các dân tộc anh em”.

Thực tế, hiện nay, các làng nghề thủ công truyền thống ở Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung đang gặp rất nhiều khó khăn để tìm đầu ra cho sản phẩm. Có nhiều làng nghề đang đối diện với nguy cơ mai một. Chương trình “Sắc Xuân miệt vườn” không chỉ đơn thuần giới thiệu, tôn vinh giá trị văn hóa lịch sử, mà còn tìm cơ hội, tìm hướng đi mới nhằm bảo tồn, vực dậy và phát triển các làng nghề của Cần Thơ.

DUYÊN KHÁNH

Chia sẻ bài viết