11/03/2011 - 09:17

Sắc thái xung đột nguy hiểm ở Trung Đông

Một tín đồ Cơ đốc giáo Ai Cập tại trung tâm Thủ đô Cairo âm thầm cầu nguyện hòa bình.
Ảnh: Reuters

Giống như tại Iraq thời hậu Saddam Hussein cách đây vài năm, tình hình bất ổn chính trị hiện nay ở các nước Trung Đông có nguy cơ bùng phát thành cuộc xung đột tôn giáo và sắc tộc đầy thảm họa.

Tại Ai Cập, mặc dù chính phủ lâm thời mới gồm các nhà kỹ trị và phi đảng phái do quân đội chỉ định đã chính thức đi vào hoạt động, nhưng tình hình an ninh ở đất nước này vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện. Cuộc đụng độ giữa người Hồi giáo chiếm đa số và cộng đồng thiểu số tín đồ Cơ đốc giáo bắt đầu tái diễn đẫm máu trong những ngày gần đây tại một khu vực gần Thủ đô Cairo làm ít nhất 13 người chết và hơn 140 người bị thương. Đây là vụ xung đột gây thương vong lớn nhất kể từ khi Tổng thống Hosni Mubarak bị phế truất. Hiện nay, hằng ngày hai phe đều tập hợp lực lượng “nghênh chiến” với nhau trước sự giám sát không mấy mặn mà của quân đội.

Trước đây, người Hồi giáo và Cơ đốc giáo ở Ai Cập sống hòa thuận với nhau. Người Cơ đốc giáo tuy chỉ chiếm 10-12% dân số hơn 80 triệu người của Ai Cập nhưng lại là cộng đồng Cơ đốc giáo đông đảo nhất so với các nước khác ở khu vực Trung Đông. Sự căng thẳng giữa hai bên đã bắt đầu nhen nhóm hồi năm 2010 khi một nhà thờ Cơ đốc giáo bị tấn công khiến 6 tín đồ thiệt mạng. Nhiều phần tử Hồi giáo quá khích sau đó còn thường xuyên tổ chức biểu tình trước các nhà thờ Cơ đốc giáo ở Cairo và Alexandria, thành phố lớn thứ hai của Ai Cập. Đỉnh điểm của sự chia rẽ giữa hai cộng đồng này là từ đầu năm 2011, khi một nhà thờ Cơ đốc giáo ở Alexandria bị đánh bom khiến 23 người chết. Các nhà phân tích lúc đó cho rằng Ai Cập bị cuốn vào dòng xoáy bạo lực tôn giáo là âm mưu của các phong trào Hồi giáo cấp tiến hoặc thậm chí do tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda giật dây. Và hiện nay, người ta cũng tin rằng có bàn tay của các thế lực Hồi giáo cực đoan nhúng vào tình hình bất ổn hiện nay ở Ai Cập.

Giới quan sát phương Tây cho rằng nguy cơ “Hồi giáo hóa” cũng đã xuất hiện ở Tunisie khi “Phong trào Hồi sinh” bị cấm hoạt động cách đây hơn 20 năm vừa lần đầu tiên biểu dương lực lượng “cảm tình viên” ở một khu vực ngoại ô Thủ đô Tunis. Tại Bahrein hay Arabie Séoudite, người ta thấy các phong trào chống đối đều thể hiện rõ tính sắc tộc, trong đó người Hồi giáo dòng Shiite không chấp nhận quyền thống trị của người Hồi giáo dòng Sunni, có thể bùng phát thành xung đột bạo lực bất cứ lúc nào.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Một tín đồ Cơ đốc giáo Ai Cập tại trung tâm Thủ đô Cairo âm thầm cầu nguyện hòa bình. Ảnh: Reuters

Chia sẻ bài viết