05/04/2022 - 08:12

Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ:

Sẵn sàng cho chuỗi sự kiện văn hóa lớn tổ chức tại Cần Thơ 

ÐĂNG HUỲNH (thực hiện)

Từ ngày 6-4 đến ngày 11-4, TP Cần Thơ sẽ tổ chức nhiều sự kiện văn hóa quan trọng, quy mô quốc gia là Lễ khánh thành công trình Ðền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ, Giỗ Tổ Hùng Vương, Liên hoan Ðờn ca tài tử quốc gia lần thứ III và Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX - năm 2022. Báo Cần Thơ có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, xoay quanh công tác tổ chức cũng như định hướng bảo tồn và phát huy giá trị di sản thông qua việc tổ chức các sự kiện này.

►​ Trước hết, xin ông giới thiệu đôi nét về các sự kiện: Lễ khánh thành công trình Ðền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ, Liên hoan Ðờn ca tài tử quốc gia lần thứ III và Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX - năm 2022 mà TP Cần Thơ sắp tổ chức?

- Lễ khánh thành công trình Ðền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ được tổ chức cùng thời điểm với Liên hoan Ðờn ca tài tử quốc gia và Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ năm 2022 vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10-3 âm lịch). Ðây là chuỗi sự kiện có ý nghĩa quan trọng diễn ra trong tháng 4 tại TP Cần Thơ và là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022), Ngày Quốc tế lao động 1-5 và 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022).

Lễ khánh thành công trình Ðền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ diễn ra lúc 19 giờ 30 phút, ngày 6-4-2022 và chính thức mở cửa phục vụ nhân dân kể từ ngày 7-4-2022. Có thể nói, Ðền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ là biểu tượng của sức mạnh đại đoàn kết, điểm hội tụ văn hoá tâm linh của dân tộc Việt Nam, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương theo tâm nguyện của nhân dân TP Cần Thơ nói riêng và nhân dân các tỉnh ÐBSCL nói chung. Công trình sẽ là điểm nhấn, kết nối với các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu, điểm du lịch của vùng và phục vụ du khách tham quan, tưởng niệm, góp phần thúc đẩy ngành Du lịch thành phố ngày càng phát triển, từng bước xứng tầm là trung tâm kinh tế - xã hội của vùng ÐBSCL.

Tiếp nối thành công của Liên hoan Ðờn ca tài tử quốc gia lần thứ I tại Bạc Liêu và lần thứ II tỉnh Bình Dương, TP Cần Thơ vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao đăng cai tổ chức lần thứ III. Hoạt động được diễn ra từ ngày 7-4 đến ngày 11-4, bao gồm nhiều hoạt động. Chương trình khai mạc diễn ra lúc 19 giờ 30, ngày 7-4 tại Quảng trường quận Bình Thủy. Hội thi nghệ thuật Ðờn ca tài tử khai mạc lúc 14 giờ ngày 6-4 tại Nhà biểu diễn Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ. Hằng đêm tại Không gian Ðờn ca tài tử có tổ chức giao lưu nghệ thuật Ðờn ca tài tử. Triển lãm nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam, khai mạc lúc 7 giờ ngày 6-4, tại Bảo tàng TP Cần Thơ.

Hội thi Bánh dân gian khai mạc lúc 9 giờ ngày 7-4 tại Quảng trường quận Bình Thủy. Hằng ngày, các gian hàng Bánh dân gian Nam Bộ hoạt động từ 8 giờ đến 21 giờ. Liên hoan Ðờn ca tài tử quốc gia và Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ sẽ bế mạc vào lúc 19 giờ ngày 11-4.

Ðền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ là biểu tượng của sức mạnh đại đoàn kết, hội tụ văn hóa tâm linh hướng về nguồn cội trên đất Cần Thơ. Ảnh: DUY KHÔI

►​ Ðến thời điểm này, công tác chuẩn bị tổ chức của thành phố cho các sự kiện này như thế nào, thưa ông? Xin ông cho biết thêm về các điểm mới của Liên hoan Ðờn ca tài tử quốc gia và Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần này?

- Ðược sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo thành phố và sự phối hợp nhịp nhàng, trao đổi thông tin kịp thời của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thành phố đã khắc phục được những khó khăn để cố gắng tổ chức thành công chuỗi sự kiện để phục vụ nhân dân, trong bối cảnh Cần Thơ đang “Tập trung kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; thích ứng an toàn, linh hoạt để khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội thành phố”. Ðến nay, các nội dung chính của chuỗi hoạt động cơ bản đã hoàn thành các bước chuẩn bị và đang vào giai đoạn nước rút để hoàn thành kịp tiến độ.

Lễ khánh thành công trình Ðền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ, Liên hoan Ðờn ca tài tử quốc gia và Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ được tổ chức cùng thời điểm, tạo thành một chuỗi hoạt động, được xem như là điểm mới. Bởi vì, chuỗi sự kiện được tổ chức cùng thời điểm và tại cùng địa điểm, sẽ tạo thành điểm nhấn, thu hút lượng khách tham quan, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với tình hình dịch bệnh, từng bước phục hồi ngành Du lịch thích ứng an toàn, linh hoạt, tạo niềm tin của thị trường về du lịch nội địa an toàn và hấp dẫn.

►​ Thưa ông, công trình Ðền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ chính thức mở cửa hoạt động được người dân và du khách rất quan tâm, náo nức. Xin ông cho biết về việc vận hành công trình sau khi khánh thành?

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 363/QÐ-SVHTTDL, ngày 18-6-2021, về việc thành lập Ban Nghi lễ Ðền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ. Hiện nay, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương tham mưu kiện toàn Ban Nghi lễ phù hợp với tình hình thực tế. Nhiệm vụ của Ban nghi lễ là tham mưu tổ chức và hướng dẫn hoạt động tín ngưỡng thờ cúng tại đền thờ đúng quy định của pháp luật có liên quan, nhằm phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng gắn kết với phát triển du lịch.

Sau lễ khánh thành, kể từ ngày 7-4, Ðền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ chính thức mở cửa phục vụ nhân dân và du khách đến thăm viếng, dâng hương. UBND thành phố đã giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo đơn vị chuyên môn phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền giá trị, ý nghĩa của công trình để các tầng lớp nhân dân và du khách đến thăm viếng, tham quan và tạo thành điểm đến du lịch hấp dẫn, đặc trưng của TP Cần Thơ. Quan tâm các hoạt động bảo vệ, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể hiện hữu của công trình, đó là đặc trưng kiến trúc gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong khai thác du lịch văn hóa tâm linh. Thực hiện công tác quản lý theo đúng quy định pháp luật, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, chăm sóc, tôn tạo các hạng mục công trình đảm bảo phục vụ tốt cho nhân dân, du khách đến thăm viếng, tham quan.

Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ sau 8 lần được TP Cần Thơ tổ chức đã góp phần bảo tồn và phát huy ẩm thực dân gian truyền thống đất phương Nam. Trong ảnh: Hoạt động trải nghiệm làm bánh dân gian của cô trò Trường Mầm non Bé Ngoan 2 (quận Cái Răng) hưởng ứng Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX. Ảnh: DUY KHÔI

►​ Những ngày tới đây, Cần Thơ sẽ chào đón hàng ngàn nghệ nhân đờn ca tài tử và nghệ nhân bánh dân gian hội tụ tại sự kiện quy mô cấp quốc gia. Là đơn vị đăng cai, TP Cần Thơ kỳ vọng gì về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản đờn ca tài tử, bánh dân gian Nam Bộ, thông qua hai sự kiện này, thưa ông?

- Với mong muốn qua mỗi lần Cần Thơ tổ chức Liên hoan Ðờn ca tài tử và Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ sẽ khơi dậy niềm đam mê và mang lại niềm tin cho các nghệ nhân, nghệ sĩ trong việc nỗ lực bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử và văn hóa ẩm thực bánh dân gian Nam Bộ.

Thông qua việc tổ chức sự kiện lần này, sẽ góp phần tạo không gian giao lưu, học hỏi lẫn nhau, giúp cho thế hệ trẻ thêm hiểu, thêm yêu đờn ca tài tử, góp phần gìn giữ và bảo tồn, quảng bá đờn ca tài tử rộng rãi, nhằm bảo tồn và lưu truyền cho thế hệ sau những giá trị đặc sắc của di sản văn hóa. Ðồng thời, nâng cao nhận thức, lòng tự hào dân tộc, phát huy vai trò của các chủ thể văn hóa trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, góp phần xây dựng và phát triển Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng ÐBSCL như Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5-6-2020 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đề ra.

Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ bài viết