05/03/2021 - 20:52

Rước đuốc Olympic ở tuổi... 118 

Ở tuổi 118, cụ Kane Tanaka, người cao tuổi nhất thế giới đang chuẩn bị cho công tác tiếp sức rước đuốc Olympic vào tháng 5 tới tại Nhật Bản.

 Cụ Kane Tanaka trong ngày sinh nhật hồi tháng 1. Ảnh: CNN

 Cụ Kane Tanaka trong ngày sinh nhật hồi tháng 1. Ảnh: CNN

Tuổi tác không là rào cản

Theo CNN, cụ bà đã 2 lần sống sót sau căn bệnh ung thư, sống qua 2 đại dịch toàn cầu và yêu thích thức uống có ga nói trên sẽ rước ngọn đuốc đi quanh thị trấn Shime (quận Kasuya, tỉnh Fukuoka) - quê hương của cụ. Cụ Tanaka sẽ được một thành viên gia đình đẩy trên xe lăn trong phần lớn quãng đường dài 100 mét. Ở những mét cuối cùng, cụ sẽ tự đi bộ rồi trao đuốc cho người rước tiếp theo.

Ðể chuẩn bị cho công tác rước đuốc, các thành viên gia đình đã tặng cụ đôi giày thể thao nhân ngày sinh nhật hồi tháng 1 vừa qua. “Thật tuyệt vời khi đến tuổi đó mà bà vẫn có thể duy trì lối sống năng động. Chúng tôi muốn những người khác nhìn thấy điều đó, cảm thấy được truyền cảm hứng và không nghĩ tuổi tác là rào cản” - Eiji Tanaka, cháu trai cụ Tanaka, nói với CNN.

Gia đình cụ Tanaka cho hay tuy không tập luyện cho hoạt động rước đuốc nhưng cụ rất hào hứng khi được tham gia sự kiện thể thao quan trọng này.

Lễ rước đuốc Olympic Tokyo 2020 dự kiến diễn ra hồi tháng 3-2020 đã bị hoãn lại do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Theo kế hoạch, điểm khởi đầu của hành trình rước đuốc là Fukushima, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của thảm họa kép động đất - sóng thần năm 2011. Từ đây, ngọn đuốc sẽ trải qua 121 ngày “chu du” trên khắp đất nước hoa anh đào trước khi đến sân vận động Olympic (Tokyo) đúng ngày khai mạc 23-7. Ðược biết, có khoảng 10.000 người sẽ tham gia tiếp sức rước đuốc.

Sống thọ nhờ đâu?

Hướng đến cột mốc mới

Kane Tanaka cho biết cụ muốn vượt qua cột mốc mới là trở thành người cao tuổi nhất từng sống trên hành tinh mà một phụ nữ Pháp từng đạt được trước khi mất ở tuổi 122. 

Sinh năm 1903, thời điểm 2 anh em nhà Wright làm thay đổi thế giới khi lái chiếc máy bay vận hành bằng động cơ đầu tiên, cụ Tanaka kết hôn với chủ cửa hàng chuyên sản xuất và bán gạo nếp, bánh kẹo truyền thống của Nhật Bản và mì Udon năm 19 tuổi và có 4 người con. Cụ làm việc tại cửa hàng cho đến năm 103 tuổi. Ðến nay, cụ có 5 người cháu và 8 chắt. Cụ đã sống sót qua 2 cuộc chiến tranh thế giới, đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 và đại dịch COVID-19 hiện nay. Như vậy, tuổi của cụ Tanaka gần bằng tuổi của Thế vận hội Olympic vốn bắt đầu vào năm 1896.

Bất chấp vấn đề tuổi tác và sức khỏe, cụ Tanaka vẫn vui tươi và tận hưởng từng khoảnh khắc trong cuộc sống. Hiện cụ sống trong một viện dưỡng lão. Tại đây, cụ thường thức dậy lúc 6 giờ sáng và rất thích chơi Othello (Cờ lật). Cụ được xem là “chuyên gia” chơi Othello. Gia đình cho biết, sự tò mò học hỏi và thích làm toán chính là bí quyết để cụ giữ cho trí óc nhạy bén và cơ thể khỏe mạnh. Ðặc biệt, cụ rất thích ăn sô-cô-la và uống cà phê. Trong bữa tiệc sinh nhật lần thứ 116, cụ bà lớn tuổi nhất thế giới bật mí mình muốn ăn tới 100 viên sô-cô-la để tận hưởng niềm vui tuổi mới.

Thật ra, Tanaka không phải là cụ già trăm tuổi duy nhất của Nhật Bản. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi nước này năm ngoái ghi nhận con số kỷ lục lần đầu tiên số người trên 100 tuổi là hơn 80.000. Bộ này cho biết, cứ 1.565 người ở Nhật Bản thì có một người trên 100 tuổi, hơn 88% trong số đó là phụ nữ.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Nhật Bản là quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới, tới 84,2 tuổi. Trong đó, tuổi thọ của phụ nữ trung bình là 87,45 so với 81,4 ở nam giới. Tuổi thọ này được cho là kết quả của phong tục Hara Hachi Bu hay còn gọi “quy tắc 80%”, tức chỉ ăn no đến 8 phần hoặc “lấp đầy 80% bụng”. Ngoài thói quen này, người Nhật còn có chế độ ăn tương đối lành mạnh, tiêu thụ nhiều thực phẩm lên men, rễ cây, rau xanh và cá.

TRÍ VĂN

 

Chia sẻ bài viết