Trước nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã hành động một cách quyết liệt. Tiếp theo đợt giảm lãi suất hôm 22-1 xuống còn 3,5%, một tuần sau đó FED lại tiếp tục giảm lãi suất thêm 0,5 điểm, xuống còn 3% (thấp nhất kể từ tháng 6-2005) và dự báo sẽ còn “đi xa hơn nữa” nhằm chống lại cơn bão suy thoái và những áp lực rất lớn đối với các thị trường tài chính.
 |
Biểu đồ lãi suất của FED từ năm 2003 đến nay. Nguồn: FED |
Hiệu lực của biện pháp giảm lãi suất như thế nào, và nó có thể ngăn chặn, hay ít ra là hạn chế tác hại của một cuộc suy thoái đến chừng mực nào? Theo “Nhật báo Wall Street”, lãi suất thấp hơn sẽ tác động đến nền kinh tế theo hai hướng quan trọng. Thứ nhất, nó giảm bớt lợi nhuận thu được từ các khoản đầu tư “an toàn” như các tài khoản tiết kiệm trên thị trường tiền tệ. Điều này khiến người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu nhiều hơn thay vì “cất” tiền ở ngân hàng, và nó khiến các nhà đầu tư và những người cho vay hăng hái hơn trong việc bỏ tiền vào những dự án làm ăn nhiều rủi ro, là nơi họ có thể thu lợi nhuận nhiều hơn. Thứ hai, lãi suất thấp cũng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các nhà máy, thiết bị và thuê nhân công mới. Kết hợp tất cả các yếu tố đó lại, việc tăng chi tiêu và tăng đầu tư sẽ có tác dụng thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng kinh tế.
Cắt giảm lãi suất cũng có thể có những ảnh hưởng gián tiếp. Chúng thường dẫn đến hệ quả là một đồng USD yếu hơn (mặc dù không phải bao giờ cũng vậy) do lãi thu được từ các khoản tiết kiệm bằng đồng USD trở nên kém hấp dẫn so với việc gửi tiết kiệm bằng các đồng tiền khác. Đồng USD mất giá sẽ thúc đẩy xuất khẩu. Cắt giảm lãi suất cũng có thể làm tăng giá cổ phiếu, khiến những người đầu tư chứng khoán cảm thấy tiền bạc của mình dư dả hơn, và họ sẽ chi tiêu nhiều hơn, trong khi các công ty cảm thấy vững tin hơn và mong muốn đầu tư hơn.
Nhiều chuyên gia cho rằng phải mất từ 6 tháng đến một năm, liệu pháp cắt giảm lãi suất mới có tác động đối với nền kinh tế. Điều này có nghĩa là những đợt cắt giảm lãi suất mạnh mẽ gần đây của FED sẽ không có khả năng chặn đứng suy thoái nếu như trào lưu suy thoái kinh tế đang thực sự diễn ra. Tuy nhiên các biện pháp cắt giảm lãi suất sẽ giúp rút ngắn thời gian và cường độ của bất cứ cuộc suy thoái nào.
Một câu hỏi lớn đặt ra hiện nay là cắt giảm lãi suất đến chừng nào thì đủ. Trong các đợt suy thoái trước đây, lãi suất các khoản tiền vay của các quỹ liên bang, sau khi được điều chỉnh với mức lạm phát, đã tụt xuống con số 0, và thấp hơn lãi suất trái phiếu dài hạn tới 1 điểm. Đối chiếu với tình hình hiện nay, điều này sẽ tương đương mức lãi suất 2,25%, thấp nhất kể từ cuối năm 2004. Một số chuyên gia đã chỉ ra nguy cơ khi duy trì lãi suất thấp và nhấn mạnh rằng nếu nền kinh tế không lâm vào suy thoái, và lạm phát vẫn ở mức cao hơn giới hạn mà FED đề ra, FED sẽ phải đối diện với đòi hỏi phải tăng lãi suất thật nhanh trở lại. Trưởng ban kinh tế Ngân hàng J.P Morgan Chase, ông Bruce Kasman cho rằng trong bối cảnh hiện nay của kinh tế Mỹ, FED có thể tiếp tục hạ lãi suất xuống mức 2% và dừng lại.
(TTXVN)