09/05/2013 - 15:48

“Dũng Sài Gòn”

Quyển sách ý nghĩa dành cho tuổi mới lớn

 

“Thay vì đánh nhau để chứng tỏ ai giỏi hơn thì việc làm bạn tốt, giúp đỡ nhau thú vị hơn nhiều” là thông điệp của truyện vừa “Dũng Sài Gòn” gởi gắm đến bạn đọc tuổi mới lớn.
Truyện của Nguyễn Trí Công, đạt giải Văn học thiếu nhi của Hội nhà văn Việt Nam 1991, NXB Trẻ phát hành quý I năm 2013.

“Dũng Sài Gòn” là cuốn sách viết cho tuổi mới lớn. Các em thiếu niên trong truyện cũng có sự ganh đua, mâu thuẫn nhưng điều đáng nói là những mâu thuẫn đó lại được giải quyết nhẹ nhàng bằng lòng tốt, sự can đảm và tâm hồn trong sáng. Đó chính là yếu tố giúp cho truyện đạt giải Văn học thiếu nhi của Hội nhà văn Việt Nam (năm 1991).

Câu chuyện bắt đầu ở làng Long Thành, Dũng một cậu học trò lớp 8, được ba mẹ đưa về quê nội nghỉ hè. Dưới quê, một đứa trẻ ở thành phố như Dũng trở thành “thần tượng” trong mắt những  bạn đồng trang lứa vốn không có điều kiện học hành, phải đi chăn trâu, làm thuê. Để tô thêm hình tượng “hoàn hảo” trong mắt bạn mới, nên dù không biết bơi Dũng vẫn bốc phét về khả năng “có thể bơi ở những hồ nước sâu mấy chục thước” hay Dũng được gọi là “võ sư karate”, biết đánh cả côn nhị khúc… Tiếng đồn về Dũng làm cho Đen - thủ lĩnh của bọn trẻ chăn trâu ở làng Hòa An tò mò. Đen gởi thư thách đấu với Dũng. Trước nguy cơ bị lật tẩy, Dũng loay hoay tìm cách đối phó…

“Dũng Sài Gòn” mở ra một thế giới với những suy nghĩ, hành động đậm chất “hiệp sĩ” đầy mơ mộng của bọn trẻ ở làng Long Thành và Hòa An. Trong bối cảnh làng quê yên ả với ruộng lúa, bờ đê, hàng dừa thoai thoải… hình ảnh bọn trẻ rủ nhau thi bơi qua sông, bắt chim trời, cưỡi trâu, nhấp cá rô ruộng… tạo được cảm giác gần gũi, bình dị đối với độc giả. Mỗi đứa trẻ ở nơi đây có tính cách, ngoại hình hết sức ấn tượng: thằng Đen vẻ ngoài hung hăng nhưng là đứa biết trọng lẽ phải, Long ít nói sống tình cảm và tốt bụng, Sún là “chuyên gia” tin đồn, Phương lanh lẹ, giỏi tài ứng phó… Và không khí ở làng quê sôi động hơn nữa từ khi có sự xuất hiện của “võ sư karate” Dũng ở Sài Gòn về.

Việc giải quyết mâu thuẫn của các em tuổi mới lớn không phải bằng bạo lực, đánh nhau mà là phần thi hết sức ngộ nghĩnh, thú vị như: thằng Phương được cử làm vận động viên leo dừa, Quít “quân sư” sẽ thi bơi qua sông… khiến cho câu chuyện nhẹ nhàng, hóm hỉnh và dễ thương. Tình bạn của bọn trẻ được bắt đầu từ tai nạn lọt sông của Dũng và Long đã dũng cảm nhảy xuống sông cứu Dũng vào bờ. Sau biến cố, mỗi đứa trẻ đều đã rút ra một bài học cho chính mình. Dũng trở nên khiêm tốn, không còn tự phụ và “khi dễ” các bạn ở quê. Đen ý thức được thay vì ghét nhau, đánh nhau để chứng tỏ ai giỏi hơn thì việc “làm bạn tốt, giúp đỡ nhau thú vị hơn nhiều” - đây cũng chính là thông điệp mà truyện chuyển tải đến bạn đọc.

“Dũng Sài Gòn” là một món quà ý nghĩa đáng có trong tủ sách gia đình.

Thảo Yên

 

Chia sẻ bài viết