31/03/2011 - 09:15

CHIẾN SỰ TẠI LIBYE

Quân chính phủ chặn đà tiến của lực lượng nổi dậy

Một cuộc phản công kéo dài của quân chính phủ Libye đã buộc các tay súng lực lượng nổi dậy ở thành phố trọng yếu Bin Jawwad phải tháo chạy về phía Đông gần 160 km, hôm 29-3. Trong khi đó, Mỹ và đồng minh phương Tây vẫn khẳng định bằng mọi cách phải lật đổ chế độ Gadhafi.

Lực lượng nổi dậy lại bị đánh bật

Việc rút lui của lực lượng nổi dậy khỏi Bin Jawwad, nơi họ vừa chiếm giữ từ tay quân đội trung thành với ông Gadhafi hai ngày trước, cho thấy rõ thực lực của đội quân mà không ít người cho là “không theo một thể thức nào” này. Những hình ảnh mới nhất cho thấy các tay súng nổi dậy hoảng sợ nhảy vào trong xe, tranh nhau rời khỏi Bin Jawwad khi lực lượng của Gadhafi tiến đến nã pháo và súng cối vào thành phố này. Không có báo cáo về các cuộc oanh kích của liên quân khi lực lượng nổi dậy rút lui.

Lực lượng nổi dậy rút khỏi Ras Lanuf hôm 29-3. Ảnh: AP

Tại thị trấn Ras Lanuf, quân nổi dậy cũng thoái lui khoảng 95 km về phía Đông, sau khi đã tái chiếm từ tay quân Gadhafi. Các báo cáo mới nhất cho biết Ras Lanuf đang hứng chịu các loạt pháo hạng nặng từ quân đội Gadhafi. Ngoài ra, có tin từ thị trấn Misrata rằng lực lượng Libye cũng đã mở cuộc công kích mới vào đây.

Người phát ngôn lực lượng nổi dậy Iman Bugaighis cho rằng “rút lui” là theo “chiến thuật” nhằm phân tán các lực lượng thân ông Gadhafi. Tuy nhiên, theo Nhật báo phố Wall của Mỹ, tình hình tại Benghazi, căn cứ của quân nổi dậy, cũng trở nên u ám sau hàng loạt thông tin tháo lui của các tay súng chống chính phủ.

Phương Tây loay hoay tìm giải pháp

Mặc dù cuộc họp của 40 nhà lãnh đạo các nước trên thế giới ở Luân Đôn cam kết viện trợ nhân đạo và tiếp tục chiến dịch không kích để bảo vệ dân thường, nhưng họ cho biết việc phế truất ông Gadhafi sẽ tùy thuộc vào chính người dân Libye. Tuy nhiên, chưa rõ họ dự định thực hiện mục tiêu đó như thế nào.

Vấn đề về việc liệu có vũ trang cho lực lượng nổi dậy ở Libye hay không đã không được các nhà lãnh đạo thảo luận công khai, cũng như không đề cập đến việc sẽ giải ngân tài sản khoảng 30 tỉ USD bị phong tỏa của Libye để cung cấp thêm tài chính cho quân nổi dậy như thế nào. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị ở Luân Đôn thể hiện rõ rằng chiến dịch quân sự ở Libye sẽ không kết thúc cho tới khi ông Gadhafi ra đi.

Đến nay, Qatar và Pháp là hai nước chính thức công nhận Hội đồng Quốc gia chuyển tiếp (TNC) của lực lượng nổi dậy ở Libye. Washington vẫn đang nghiên cứu cả vấn đề công nhận TNC cũng như vũ trang cho phe chống chính phủ Libye. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CBS hôm 29-3, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng ông không loại trừ khả năng vũ trang cho lực lượng nổi dậy.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 30-3 cho rằng các cường quốc phương Tây không có quyền vũ trang cho lực lượng chống đối chính phủ tại Libye theo sứ mệnh đã được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc  thông qua. Phát biểu trước báo giới về việc Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé nói nước này sẵn sàng thảo luận với các đối tác liên minh về việc trang bị vũ khí cho lực lượng đối lập tại Libye, ông Lavrov tuyên bố nước Nga hoàn toàn nhất trí với quan điểm của Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Anders Fog Rassmusen, rằng chiến dịch tại Libye là nhằm bảo vệ dân thường chứ không phải để vũ trang cho lực lượng chống đối. Ngoại trưởng Nga cũng cho rằng đã đến thời điểm nhà lãnh đạo Libye Gadhafi rời bỏ quyền lực và để người dân nước này thành lập chính phủ mới.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ý Maurizio Massari ngày 30-3 cũng tuyên bố việc trang bị vũ khí cho lực lượng nổi dậy tại Libye là biện pháp “quá khích” và sẽ chia rẽ cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ cho rằng cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy Libye sẽ khiến Washington “vướng” vào cuộc nội chiến ở quốc gia Bắc Phi, vì lực lượng nổi dậy cần được huấn luyện sử dụng vũ khí, thậm chí đơn giản với súng trường hay súng chống xe bọc thép vác vai. Điều đó có nghĩa Mỹ sẽ phải đưa chuyên gia huấn luyện tới Libye. Chưa rõ cuộc tranh cãi sẽ tới đâu, nhưng từ khi chiến dịch bắt đầu, Lầu Năm Góc đã tỏ ra miễn cưỡng với hành động quân sự tại Libye. Mặt khác, những nỗ lực của Mỹ trước đây nhằm vũ trang cho lực lượng đối lập ở Angola, Nicaragua, Afghanistan và nhiều nơi khác thường bị phản tác dụng.

Các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu đã gặp các thủ lĩnh TNC và thành lập “Nhóm tiếp xúc về Libye” tiếp tục thảo luận về các giải pháp chính trị cho Libye thời kỳ “hậu Gadhafi” trong vài tuần tới.

N. MINH (Theo WSJ, LA Times, NYT)

Chia sẻ bài viết