01/09/2008 - 08:43

Phương Tây “ve vãn” Libye

Thủ tướng Ý Berlusconi (trái) và nhà lãnh đạo Libye Kadhafi quyết tâm “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Ảnh: Reuters

Hơn 6 thập kỷ kể từ khi kết thúc giai đoạn chiếm đóng Libye, Chính phủ Ý cuối cùng cũng nhận ra sai lầm của mình và quyết định bồi thường cho nước này. Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi trong chuyến thăm Libye hôm 30-8 đã xin lỗi người dân Libye vì những tổn thất mà họ phải gánh chịu trong thời kỳ Ý chiếm đóng nước này từ năm 1911 đến năm 1943. Ông Berlusconi cũng ký với nhà lãnh đạo Libye Moamer Kadhafi hiệp định hữu nghị và hợp tác, trong đó có việc Ý sẽ đầu tư 5 tỉ USD vào cơ sở hạ tầng của Libye trong 25 năm tới nhằm chuộc lại phần nào lỗi lầm. Ngoài ra, Roma còn trợ cấp cho những người bị thương do vướng mìn của quân đội Ý và cấp học bổng cho nhiều sinh viên Libye sang du học ở đất nước hình chiếc ủng.

Sau chuyến thăm của Thủ tướng Ý, trong tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice cũng sẽ đến Libye. Bà Rice là quan chức cao cấp nhất của Washington tới quốc gia Bắc Phi này kể từ năm 1953. Chuyến thăm được Nhà Trắng mô tả là “lịch sử” của bà Rice diễn ra chưa đầy một tháng sau khi Tripoli đồng ý bồi thường hàng tỉ USD cho các nạn nhân trong vụ nổ máy bay của hãng hàng không Mỹ Pan Am trên bầu trời Lockerbie (Scotland) năm 1988 làm 270 người chết. Chính phủ Libye bị cáo buộc đứng đằng sau vụ này.

Trước đây, nhà lãnh đạo Libye Kadhafi (lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 1969) từng là cái gai trong mắt phương Tây, vì họ cho rằng vị đại tá này ủng hộ khủng bố. Tuy nhiên, Mỹ và châu Âu bắt đầu quay sang “vuốt ve” Libye sau khi Tripoli tuyên bố từ bỏ tham vọng chế tạo vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học vào năm 2003. Chuyến thăm của bà Rice được cho là sẽ mở đường cho hai bên bình thường hóa hoàn toàn quan hệ ngoại giao và Washington khởi động viện trợ cho Libye. Việc Thủ tướng Ý và Ngoại trưởng Mỹ nối gót nhau tới Libye là thông điệp mà phương Tây muốn gởi tới các quốc gia như Iran và Bắc Triều Tiên rằng “thức thời” như Libye sẽ mang lại nhiều lợi ích. “Libye là một hình mẫu quan trọng trong lúc các nước trên thế giới gây áp lực buộc chính quyền Iran và Bắc Triều Tiên thay đổi hành vi. Chúng tôi đề nghị giới lãnh đạo Iran và Bắc Triều Tiên có những quyết định chiến lược tương tự để mang lại lợi ích cho người dân nước họ”, bà Rice từng phát biểu như vậy.

Còn một lý do nữa để phương Tây “ve vãn” Libye, đó là nguồn dầu mỏ của nước này. Là thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Libye xếp thứ 8 thế giới về trữ lượng dầu với 41,5 tỉ thùng. Hiện nay mỗi ngày nước này xuất khẩu gần 1,6 triệu thùng dầu, đứng thứ 11 thế giới. Nhờ cải thiện quan hệ với Tripoli mà tập đoàn dầu khí lớn nhất của Mỹ là ExxonMobil, sau hơn 20 năm bị trục xuất, đã được phép trở lại và đang ăn nên làm ra ở Libye.

LÊ DÂN (Theo AFP, UPI)

Chia sẻ bài viết