Hôm 22-3, Mỹ, Anh, Canada và Liên minh châu Âu (EU) đồng loạt áp trừng phạt lên các quan chức cùng thực thể Trung Quốc liên quan cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.

Người Duy Ngô Nhĩ tại Thổ Nhĩ Kỳ phản đối bên ngoài Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Istanbul. Ảnh: Getty Images
Khởi đầu “ngày trừng phạt” là lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản của EU đối với Giám đốc Sở Công an Tân Cương Trần Minh Quốc cùng 3 quan chức cấp cao khác. Binh đoàn sản xuất và xây dựng Tân Cương cũng nằm trong danh sách vì các hành vi “ngược đãi nghiêm trọng” đối với người Duy Ngô Nhĩ cũng như các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác.
Nối gót EU, Mỹ, Anh, Canada lần lượt công bố quyết định trừng phạt những quan chức Trung Quốc dính líu hành vi “lạm dụng trên diện rộng” ở khu vực Tây Bắc. Theo Giám đốc Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ Andrea Gacki, trừng phạt sẽ không dừng lại và Bắc Kinh phải gánh hậu quả nếu các hành vi xâm phạm nhân quyền tiếp tục diễn ra ở Tân Cương. “Chúng tôi đang gửi thông điệp rõ ràng nhất tới Chính phủ Trung Quốc, rằng cộng đồng quốc tế sẽ không làm ngơ trước những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và có hệ thống. Chúng tôi sẽ phối hợp hành động để buộc các bên liên quan chịu trách nhiệm” - Ngoại trưởng Anh Dominic Raab khẳng định. Trước đó, ông Raab cùng hai người đồng cấp Mỹ - Canada trong tuyên bố chung nhấn mạnh Bắc Kinh phải chấm dứt “các hoạt động đàn áp” ở Tân Cương.
Ủng hộ trừng phạt, Úc và New Zealand cũng ra tuyên bố tỏ rõ quan ngại trước việc ngày càng có nhiều báo cáo, bằng chứng đáng tin cậy về những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với người Duy Ngô Nhĩ cũng như những dân tộc thiểu số Hồi giáo khác.
Theo giới phân tích, các lệnh trừng phạt mặc dù chỉ mang tính biểu tượng nhưng màn phối hợp giữa Mỹ với EU, Anh, Canada thể hiện sự đồng thuận và cứng rắn của phương Tây trước Trung Quốc - yếu tố cốt lõi trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. “Những hành động trên phản ánh cam kết liên tục của chúng tôi trong hợp tác đa phương nhằm thúc đẩy tôn trọng nhân quyền. Chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh với đồng minh trên thế giới để kêu gọi Trung Quốc dừng ngay các hành động tàn bạo, đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân và buộc những bên liên quan chịu trách nhiệm” - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết.
Trước đó, tinh thần đoàn kết của phương Tây chống lại “hành vi đàn áp” của Trung Quốc đã được thể hiện qua nỗ lực của các nhà ngoại giao Mỹ, Anh, EU nhằm tiếp cận một tòa án Trung Quốc trong phiên xét xử công dân Canada Michael Kovrig. Người này cùng doanh nhân Michael Spavor bị Bắc Kinh bắt giữ năm 2018, ngay sau khi cảnh sát Canada tạm giam Giám đốc Tài chính công ty Huawei Mạnh Vãn Chu theo lệnh truy nã của Mỹ.
Bắc Kinh trả đũa
Sau lệnh trừng phạt của EU, cường quốc châu Á chỉ trích khối 27 quốc gia thành viên đưa “thông tin dối trá và sai lệch” làm tổn hại chủ quyền, lợi ích của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu EU “sửa chữa sai lầm” và không “can thiệp thô bạo” chuyện nội bộ của nước này. Bắc Kinh còn trả đũa bằng cách đưa 4 tổ chức và 10 cá nhân chủ yếu là nhà lập pháp, ngoại giao và học giả châu Âu vào danh sách trừng phạt.
|
MAI QUYÊN (Theo Reuters)