TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Theo cuộc thăm dò do hãng Gallup (Hàn Quốc) thực hiện hồi năm 2020, 1/3 phụ nữ xứ kim chi trong độ tuổi 19-39 đều phải trải qua một số hình thức phẫu thuật thẩm mỹ. Ðặc biệt, 66% số người được hỏi cho biết sở dĩ họ chọn “dao kéo” là để cải thiện cơ hội kết hôn. Ðáng lo ngại hơn, cuộc khảo sát hồi năm 2007 của nhãn hàng Dove cho thấy, cứ 4 bà mẹ Hàn Quốc thì có một người khuyên con gái trong độ tuổi 12-16 của họ đi “dao kéo”. Tuy nhiên, mọi thứ nay đã thay đổi...

Phụ nữ Hàn Quốc tại một cơ sở chăm sóc sắc đẹp. Ảnh: AP
Kể từ năm 2018, hàng trăm ngàn phụ nữ Hàn Quốc đã đăng lên mạng xã hội hình ảnh họ cắt phăng mái tóc dài và để “mặt mộc”. Không những vậy, họ còn xuống phố trong những bộ trang phục rộng thùng thình và đeo kính. Họ gọi đây là phong trào “Escape the Corset (tạm dịch: Từ bỏ áo ngực)”, trong đó kêu gọi phái đẹp Hàn Quốc từ bỏ thói quen chăm sóc da và trang điểm quá cầu kỳ. Những người ủng hộ phong trào cũng đồng thời phản đối những chuẩn mực sắc đẹp “phi lý không thể đạt đến”.
Theo báo cáo về phong trào “Từ bỏ áo ngực” do một tạp chí học thuật về nghiên cứu giới ở Ðông Á thực hiện, lượng người tham gia phong trào này lên tới 300.000 người. Lee Na-Young, giáo sư nghiên cứu phụ nữ học tại Ðại học Chung-Ang, cho biết, phong trào không chỉ thay đổi nhận thức sắc đẹp của nữ giới tại Hàn Quốc, mà còn hướng đến việc thay đổi hình ảnh của họ trong mắt nam giới, thay vì việc chịu chấp nhận ở “chiếu dưới” như trước. Họ không nhất thiết phải ăn vận hay trang điểm cẩn thận để làm vừa lòng nam giới nữa, và điều này sẽ là bước tiến mới hướng đến sự bình đẳng của phụ nữ.
“Tôi xem phong trào này như là một cuộc tổng đình công chống lại loại hình thẩm mỹ mà phụ nữ Hàn Quốc buộc phải tham gia” - Elise Hu, tác giả quyển “Hoàn mỹ: Bài học về ngoại hình và văn hóa từ kinh đô sắc đẹp” trị giá 10 tỉ USD của Hàn Quốc, cho biết. Những nhà nữ quyền trẻ tuổi mà bà Hu có dịp trò chuyện cho hay họ đã chi từ 500-700USD/tháng cho việc chăm sóc da. Một số người trong số họ còn dành ra rất nhiều thời gian trong ngày để chải chuốt bản thân trước khi ra đường. Song, bà Hu nói với tờ Business Insider rằng kể từ khi không trang điểm, từ bỏ các sản phẩm chăm sóc da và các phương pháp thẩm mỹ, “họ đã tiết kiệm rất nhiều thời gian và năng lượng, vốn là đòn bẩy quan trọng cho sự tự do của chúng ta”. Bà Hu dẫn dữ liệu tiêu dùng từ Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc cho thấy, chi tiêu liên quan đến làm đẹp đã thực giảm đối với phụ nữ Hàn Quốc ở độ tuổi 20 và họ cũng ít phẫu thuật thẩm mỹ hơn.
Lâu nay, ở Hàn Quốc, đẹp không chỉ nằm ở vẻ bề ngoài mà đó còn là một nhiệm vụ. “Việc đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu về ngoại hình chỉ được coi là lịch sự. Nếu bạn phẫu thuật thẩm mỹ, bạn không chỉ trông đẹp hơn mà đó còn là sự tôn trọng những người khác trong cộng đồng” - bà Hu giải thích.
Ðể thúc đẩy người dân sử dụng phẫu thuật thẩm mỹ, Chính phủ Hàn Quốc nỗ lực giữ giá các sản phẩm và phương pháp làm đẹp ở mức thấp, thậm chí cung cấp các thủ thuật thẩm mỹ chuyên nghiệp cho những người tị nạn Triều Tiên muốn hòa nhập vào xã hội Hàn Quốc. Song, trong khi chính sách này cho phép phụ nữ, đôi khi là nam giới, vượt qua ranh giới giai cấp, thì nó cũng có thể gây ra hậu quả tai hại.
“Khi bạn nói rằng cơ thể của bạn có thể thay đổi và bạn có thể trông đẹp hơn thì cuối cùng bạn sẽ bị đánh giá là không làm gì để cải thiện ngoại hình của mình. Và điều này thực sự nguy hiểm” - bà Hu cảnh báo. Theo bà Hu, hồi năm 2016, một người đàn ông đã sát hại một phụ nữ trẻ gần ga tàu điện ngầm Gangnam vì anh ta cảm thấy bị người khác giới “coi thường”, làm dấy lên làn sóng nữ quyền mạnh mẽ.
Chỉ một năm sau đó, phong trào #MeToo (chống quấy rối và bạo hành nữ giới) nổ ra, khiến nhiều đàn ông nổi tiếng Hàn Quốc tiêu tan sự nghiệp và giúp phụ nữ tìm thấy tiếng nói của mình ở một đất nước có văn hóa gia trưởng như Hàn Quốc. Phong trào “Từ bỏ áo ngực” cũng ra đời ngay sau đó.