24/09/2022 - 12:10

Phụ nữ châu Âu lương thấp hơn nam giới 

NGUYỆT CÁT (Theo DW, India News)

Mặc dù Liên minh châu Âu (EU) được thành lập trên nguyên tắc bình đẳng giới, nhưng phụ nữ tại đây vẫn chịu thiệt thòi hơn nam giới, khi mức lương trung bình của họ thấp hơn phái mạnh 13% vì nhiều nguyên nhân.

Gánh nặng chăm sóc gia đình khiến phụ nữ thường chọn công việc trả lương ít hơn nam giới.

Chênh lệch thu nhập giữa nam và nữ thường được tính dựa trên số tiền chi trả trực tiếp cho người lao động trước khi trừ thuế thu nhập và các khoản đóng góp an sinh xã hội khác. Theo Báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu năm 2022 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, phải mất 132 năm nữa, khoảng cách thu nhập giữa hai giới mới có thể thu hẹp và có được sự bình đẳng. Mặc dù EU có mức bình đẳng giới cao thứ hai trên toàn cầu, song báo cáo ước tính khối này cần ít nhất 60 năm nữa để đạt được sự bình đẳng thật sự.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong những năm qua, nam giới có xu hướng được tuyển dụng vào các công việc được trả lương cao hơn như tài chính, bảo hiểm, xây dựng hoặc công việc có rủi ro cao như khai thác mỏ. Trong khi đó, dù làm việc nhiều giờ hơn nam giới mỗi tuần, nhưng thu nhập của phụ nữ luôn thấp hơn, do phần nhiều thời gian họ dành để thực hiện những "công việc không được trả lương". Ngoài việc nhà, trọng trách chăm sóc con cái cũng khiến phụ nữ có xu hướng chọn những công việc có thời gian làm việc linh hoạt hoặc ngắn hơn. Ðiều này càng làm tăng mức độ bất bình đẳng thu nhập cho những chị em phải nghỉ việc để làm mẹ và nuôi con.

Sự chênh lệch về tiền lương còn gây ra nhiều hệ lụy khác cho phụ nữ. Hậu quả trực tiếp là khả năng tiếp cận quyền lợi chăm sóc sức khỏe, phúc lợi, giáo dục và an ninh tài chính kém hơn, đặc biệt là khi về già. Như trong đại dịch COVID-19, nhiều phụ nữ ở châu Âu (làm những công việc được trả lương thấp tại nhà, tạm thời hoặc bán thời gian) không thể tiếp cận các chương trình hỗ trợ thu nhập do chính phủ tài trợ, vì công việc của họ không nằm trong danh mục được trợ cấp. Các tác động khác bao gồm bất bình đẳng trong phấn đấu sự nghiệp, khoảng cách về hiểu biết tài chính và khoảng cách về khả năng tiếp cận các nguồn lực để xây dựng tài sản và tích lũy của cải suốt đời. Ðiển hình là số phụ nữ nắm giữ các vai trò lãnh đạo ngày càng ít. Thực tế, có chưa đến 8% số công ty hàng đầu trên toàn thế giới có giám đốc điều hành là nữ.

Theo các chuyên gia, tiếp cận tốt hơn và bình đẳng hơn trong lĩnh vực giáo dục, việc làm và lương hưu là bước cần thiết đầu tiên để thu hẹp khoảng cách lương theo giới. Ngoài ra, việc giảm gánh nặng chăm sóc gia đình cũng có thể giúp nâng cao mức lương của phụ nữ vì họ sẽ có nhiều thời gian hơn cho công việc. 

Trong nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới về chi trả lương, Nghị viện châu Âu hồi tháng 4 đã thông qua bộ quy tắc buộc người sử dụng lao động phải minh bạch tiền lương. Theo đó, các doanh nghiệp có từ 50 nhân sự trở lên phải tiết lộ thông tin giúp đồng nghiệp dễ dàng so sánh mức lương và biết rõ khoảng cách lương hiện có trong công ty. Những quy định này đã áp dụng thành công ở một số quốc gia, trong đó có Iceland, nước đã thu hẹp 90% khoảng cách trả lương theo giới. 

Báo cáo “Phân biệt đối xử tại Ấn Độ năm 2022” của Oxfam Ấn Độ cho thấy, tình trạng phân biệt giới tính là nguyên nhân khiến 100% phụ nữ ở nông thôn đối mặt với sự bất bình đẳng về việc làm trong thị trường lao động, tỷ lệ này ở khu vực thành thị là 98%. Phân biệt đối xử cũng là lý do dẫn đến 95% khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ khi làm công ăn lương. Không chỉ vậy, nam giới tự kinh doanh cũng kiếm được nhiều tiền gấp 2,5 lần nữ giới, trong đó 83% là do phân biệt đối xử trên cơ sở giới.

Chia sẻ bài viết