20/09/2009 - 21:54

Phép thử năng lực lãnh đạo của ông Obama

Tổng thống Mỹ Obama. Ảnh: AFP 

Có thể nói tuần này là thời gian bận rộn nhất của ông Barack Obama kể từ khi nhậm chức tổng thống Mỹ hồi tháng giêng năm nay. Hàng loạt cuộc gặp với nguyên thủ các cường quốc và chủ trì các hội nghị quốc tế quan trọng sẽ là bài kiểm tra vai trò lãnh đạo của chủ nhân Nhà Trắng, hãng tin AP nhận định.

Bên lề cuộc họp thường niên Đại hội đồng LHQ tại New York, Tổng thống Obama sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào vào ngày 22-9. Cuộc gặp này được chú ý bởi nó diễn ra chỉ hơn một tuần sau khi xảy ra hục hặc trong quan hệ thương mại song phương, khởi nguồn từ việc Washington áp thuế trừng phạt lên vỏ xe hơi Trung Quốc và Bắc Kinh trả đũa bằng cách điều tra chống bán phá giá đối với thịt gà và phụ tùng xe hơi Mỹ. Ngoài ra, gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc còn có những hoạt động tranh giành ảnh hưởng trên Thái Bình Dương. Người ta muốn biết ông Obama sẽ xử lý như thế nào mối quan hệ vừa là đối tác vừa là đối thủ này.

Cùng ngày, ông Obama có cuộc gặp riêng rẽ với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas trước khi tổ chức họp tay ba. Ông Obama hiện đang gây sức ép buộc Israel ngừng xây dựng các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây và Jerusalem nhằm tái khởi động hòa đàm với Palestine. Tuy nhiên, cho tới nay Tel Aviv vẫn chưa thể hiện thái độ rõ ràng. Vị thế của ông Obama trong thế giới Arập sẽ bị ảnh hưởng nếu không thuyết phục được đồng minh truyền thống mà mỗi năm nhận tài trợ từ Washington tới 3 tỉ USD này. Cải thiện hình ảnh nước Mỹ trong mắt thế giới Hồi giáo - Arập là một mục tiêu lớn trong nhiệm kỳ của ông Obama.

Tổng thống Obama sẽ gặp người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev vào ngày 23-9. Dưới thời ông Obama, quan hệ Washington - Mát-xcơ-va phần nào được cải thiện khi Nga cho phép Mỹ sử dụng không phận nước này trong việc tiếp tế hậu cần cho cuộc chiến ở Afghanistan. Hai bên cũng đạt được tiến bộ trong đàm phán cắt giảm vũ khí hạt nhân. Nhưng “đột phá” nhất là việc ông Obama hôm 17-9 quyết định không triển khai lá chắn tên lửa ở Ba Lan và Cộng hòa Czech. Đáp lại, ông Medvedev cũng hủy kế hoạch đưa tên lửa Iskander tới vùng Kaliningrad giáp giới Ba Lan. Ông Obama có tiếp tục điều chỉnh quan hệ với Nga, vốn bị “chệch hướng” nghiêm trọng dưới thời người tiền nhiệm George Bush, là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Cũng trong ngày 23-9, ông Obama có cuộc gặp đầu tiên với tân Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama, người tuyên bố sẽ xây dựng quan hệ “bình đẳng hơn” với Mỹ. Trước mắt, chính quyền trung tả của ông Hatoyama cho biết sẽ ngừng tiếp nhiên liệu cho Mỹ trên Ấn Độ Dương để phục vụ cuộc chiến ở Afghanistan khi sứ mệnh này kết thúc vào đầu năm tới, đồng thời xem xét lại các thỏa thuận về sự đồn trú của gần 50.000 lính Mỹ ở Nhật. Không ai nghi ngờ quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ và bang giao với Washington tiếp tục là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Tokyo như lời ông Hatoyama, nhưng liệu Mỹ có chấp nhận để Nhật tìm kiếm tiếng nói “độc lập hơn” trong các vấn đề quốc tế?

Còn trong hai ngày 24 và 25-9, Tổng thống Obama sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh G-20, khối chiếm 80% sản lượng kinh tế toàn cầu, tại Pittsburgh.

Trước đó, ông Obama có bài diễn văn đầu tiên tại Đại hội đồng LHQ và phát biểu khai mạc hội nghị thượng đỉnh LHQ về biến đổi khí hậu. Khác với người tiền nhiệm, ông cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Theo dự luật đã được Hạ viện thông qua, các nhà máy ở Mỹ vào năm 2020 phải cắt giảm 17% lượng khí thải so với năm 2005, và 83% vào năm 2050.

Là tổng thống Mỹ đầu tiên làm chủ tịch Hội đồng Bảo an (nhiệm kỳ tháng 9), ông Obama cũng sẽ điều khiển phiên thảo luận cấp cao về giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân vào cuối tuần. Thời gian gần đây, ông là người tích cực cổ động cho một thế giới phi hạt nhân.

Chờ xem trong tuần lễ dày đặc sự kiện này, ông Obama sẽ xử lý các vấn đề quốc tế, các mối quan hệ như thế nào để thực hiện cam kết “thay đổi thế giới” của mình.

LÊ DÂN (Theo VOA, AFP, AP)

Chia sẻ bài viết