Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 23-7 thông báo kính thiên văn không gian Kepler đã phát hiện một hành tinh ngoài Hệ Mặt trời với nhiều đặc điểm giống với Trái đất nhất từ trước tới nay. Đây được xem là một phát hiện mang tính cách mạng, mở ra hy vọng cho công cuộc tìm kiếm một "Trái đất thứ hai" trong vũ trụ.
Trong tuyên bố của mình, NASA cho biết trong số 12 hành tinh có kích thước tương tự Trái đất mà kính thiên văn Kepler mới phát hiện, hành tinh có tên Kepler-452b được xem là "người anh em song sinh" với địa cầu khi nó được phát hiện có dấu hiệu của nước trên bề mặt. Cách Trái đất 1.400 năm ánh sáng và có đường kính lớn hơn địa cầu khoảng 60%, Kepler-452b quay quanh một ngôi sao lớn tương tự như Mặt trời với chu kỳ 385 ngày, chỉ dài hơn một năm của Trái đất 20 ngày. Điều quan trọng nhất là khoảng cách từ Kepler-452b đến ngôi sao này chỉ nhiều hơn 5% khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời, đồng nghĩa với việc hành tinh này thuộc "vùng sống được" - nơi có nhiệt độ không quá nóng làm nước bay hơi, hoặc quá lạnh khiến nước đóng băng. Hiện khối lượng và các thành phần hóa học bên trong Kepler-452b vẫn chưa xác định. Tuy nhiên, các nhà khoa học dự đoán hành tinh có kích thước lớn như trên nhiều khả năng có thành phần cấu tạo bên trong chủ yếu là đá tương tự Trái đất.

Trái đất (trái) và Kepler-452b. Ảnh: Reuters
Tiến hành quan sát ngôi sao mà Kepler-452b quay quanh, các nhà khoa học phát hiện nó cũng có nhiều điểm tương đồng với Mặt trời của Trái đất. Đây là ngôi sao 6 tỉ năm tuổi, "già" hơn Mặt trời 1,5 tỉ năm tuổi trong khi nặng hơn 4% và sáng hơn 10% so với Mặt trời.
Trao đổi với báo giới, nhà nghiên cứu Jeff Coughlin thuộc Trung tâm Tìm kiếm thông tin ngoài khí quyển (SETI) nhận định việc phát hiện Kepler-452b là "một bước tiến thực sự đầu tiên của nhân loại". Trong khi đó, phi hành gia Jon Jenkins, nhà nghiên cứu dự án Kepler thuộc Trung tâm Nghiên cứu Ames của NASA, cho rằng Kepler-452b đã bay trong quỹ đạo này 6 tỉ năm, đủ thời gian để hình thành các thành phần và điều kiện nuôi dưỡng sự sống.
Hồi năm ngoái, NASA cũng công bố phát hiện hành tinh Kepler-186f được coi là gần giống với Trái đất. Hành tinh này lớn hơn Trái đất khoảng 10 lần và cách địa cầu 500 năm ánh sáng. Tuy nhiên, nó chỉ nhận được 1/3 năng lượng từ sao mẹ và do đó, buổi trưa ở trên hành tinh này sẽ giống như buổi tối trên Trái đất.
Với giá trị lên tới 600 triệu USD, kính thiên văn không gian Kepler bắt đầu hoạt động trong vũ trụ từ năm 2009 để tìm hiểu sự đa dạng của các hệ hành tinh trong dải Ngân Hà cũng như phát hiện những hành tinh đá như Trái đất và xoay quanh ngôi sao riêng ở khoảng cách hợp lý để nước có thể tồn tại ở dạng lỏng.
P.V (Theo TTXVN)