Quyết định của Tổng thống Pháp François Hollande về việc công nhận liên minh đối lập mới ở Syrie được cho là nhằm bảo đảm những lợi ích lâu dài của Pháp tại khu vực Trung Đông, cũng như củng cố thêm hình ảnh chính sách đối ngoại của nước này. Tuy nhiên, cùng với rất ít các nước đồng minh theo sau quyết định trên của Pháp, Paris có nguy cơ bị cô lập.
 |
Tổng thống Hollande (trái) và lãnh đạo “Liên minh Dân tộc Syrie” Mouaz al-Khatib. Ảnh: Reuters |
Với việc một số chính sách về kinh tế đang bị soi xét kỹ cả trong và ngoài nước, phản ứng có phần lưỡng lự của ông Hollande trước cuộc xung đột tại Syrie vài tuần trước đã bị cho là "không có lợi" so với cách tiếp cận quyết đoán của người tiền nhiệm của ông khi hồi năm 2011 cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy đã dẫn đầu những nỗ lực của phương Tây trong việc lật đổ nhà lãnh đạo Libye Muammar Gadhafi.
Đi đầu trong các quốc gia đồng minh và Liên đoàn A-rập (AL), hồi tuần qua Tổng thống Hollande đã "noi gương" người tiền nhiệm Sarkozy khi quyết định công nhận liên minh đối lập mới thành lập có tên "Liên minh Dân tộc Syrie" là "đại diện duy nhất" của người dân Syrie và ủng hộ tổ chức này "thay thế" chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.
Tổng thống Hollande hy vọng động thái trên sẽ trao cho Paris vai trò quyết định trong việc định hình tương lai đất nước Syrie cũng như tạo ra lực đẩy cho tỷ lệ tín nhiệm đang có phần sụt giảm của ông bằng việc thể hiện khả năng lãnh đạo quyết đoán.
"Chúng tôi đang cố gắng giúp định hình một chính phủ dân chủ ổn định, vì vậy điều đó sẽ cho dư luận tại thế giới A-rập thấy rằng khu vực này vẫn dành ưu tiên cho chúng tôi và chúng tôi cũng muốn đóng vai trò quan trọng tại đây"- Denis Bauchard, chuyên gia về các vấn đề Trung Đông thuộc Bộ Ngoại giao Pháp trong những năm 1990, nhận định.
Paris lo ngại rằng cơ hội đoàn kết giữa lực lượng đối lập sẽ biến mất và sự chia rẽ kéo dài càng lâu thì các phần tử thánh chiến và al-Qaeda xuất hiện càng nhiều sẽ nổi lên thành vấn đề đáng lo ngại hơn. Các phần tử cực đoan này với một phần nằm trong số những phần tử nổi dậy chống Tổng thống al-Assad đã trở thành mối đe dọa đối với phương Tây.
Tuy nhiên, theo hãng tin Anh Reuters, Tổng thống Hollande đang "chơi nước cờ mạo hiểm" khi "Liên minh Dân tộc Syrie" có thể không giành được sự ủng hộ quốc tế rộng lớn ở vào giai đoạn xung đột "hạ màn" cũng như sẽ phải đối mặt với số phận tương tự như Hội đồng Dân tộc Syrie (SNC), nhóm đối lập đang dần tách ra thành phong trào đối lập chính bất chấp nhận được sự ủng hộ của Pháp.
Quyết định của ông Hollande khiến nhiều người ngạc nhiên bởi "Liên minh Dân tộc Syrie" vẫn chưa chứng tỏ khả năng trên chiến trường. Những câu hỏi vẫn chưa có lời đáp xung quanh việc liên minh mới thành lập sẽ đại diện cho người dân Syrie như thế nào và những giá trị mà họ chứa đựng là gì.
Không giống như phe nổi dậy chống nhà lãnh đạo Gadhafi ở Libye hồi năm ngoái, "Liên minh Dân tộc Syrie" vẫn còn thiếu một chỉ huy quân đội có khả năng tập hợp lực lượng. Không có sự thống nhất nào tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) về việc triển khai lực lượng quân sự đến hỗ trợ "Liên minh Dân tộc Syrie", trong khi Nga và Trung Quốc đều cho thấy họ sẽ không bỏ rơi Tổng thống al-Assad.
"Tổng thống Hollande đang có tham vọng chính trị biến Syrie thành Libye của riêng ông qua việc ủng hộ liên minh mới thành lập, tuy nhiên ngoài những lời nói mạnh miệng thì không có bất cứ sự thay đổi thực sự nào trong quan điểm của Pháp. Tôi nghĩ động thái trên của Pháp đã gây ra tác dụng ngược. Paris đơn độc về vấn đề này khi mà các đồng minh của họ đã không dòm ngó đến"- Ahyam Kamel, nhà phân tích về tình hình Syrie tại trung tâm Tư vấn Eurasia, nói.
THANH BÌNH (Theo Reuters)