MAI QUYÊN (Theo AP, DW)
Trong khi Thụy Ðiển vẫn còn do dự, các nhà lãnh đạo Phần Lan ngày 12-5 cho biết họ ủng hộ việc nhanh chóng nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO).

Phần Lan và Thụy Ðiển từ lâu đã là đối tác thân thiết, tham gia nhiều cuộc tập trận chung của NATO.
Trong tuyên bố chung, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Sanna Marin xác định Helsinki phải nộp đơn xin gia nhập NATO ngay lập tức và coi đây là giải pháp cần thiết để tăng cường an ninh quốc gia. Cả hai cũng tin tưởng sự hiện diện của Phần Lan giúp củng cố toàn bộ liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu, qua đó hy vọng các bước chuẩn bị cho quy trình đăng ký có thể tiến hành trong vòng vài ngày tới.
Thông báo trên đồng nghĩa Phần Lan chắc chắn tham gia NATO, sau thời gian cân nhắc lại cách thức bảo vệ an ninh quốc gia khi chứng kiến Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine. Còn về Thụy Ðiển, nước này coi tuyên bố từ Helsinki là “thông điệp quan trọng” và Stockholm dự kiến đưa ra thông báo vào cuối tuần này.
Theo các quan chức NATO, nếu Thụy Ðiển có quyết định tương tự thì tiến trình gia nhập của “bộ đôi Bắc Âu” có thể thực hiện trong vài tuần. Trước đó, hai nước đều lo ngại có thể bị đe dọa trong thời gian đơn xin gia nhập được xem xét vì tiến trình này có thể kéo dài tới 1 năm. Tuy NATO không thể đưa ra các cam kết an ninh chính thức, Ngoại trưởng Thụy Ðiển Ann Linde cho biết Mỹ hồi tuần rồi đã hứa bảo đảm các biện pháp quân sự nếu Stockholm nộp đơn. Ðầu tuần này, Anh cũng đạt thỏa thuận an ninh mới với cả Thụy Ðiển lẫn Phần Lan, tập trung vào cam kết ủng hộ lực lượng vũ trang của hai đối tác nếu họ đối mặt với khủng hoảng hoặc bị tấn công.
Nga tiếp tục cảnh báo
Trước đây, Nga đã nhiều lần cảnh báo “hậu quả quân sự và chính trị” nếu Thụy Ðiển, Phần Lan quyết định trở thành thành viên NATO, bao gồm việc Mát-xcơ-va triển khai vũ khí hạt nhân tại khu vực Baltic nhằm tăng cường phòng thủ và khôi phục cán cân quân sự. Trong phản ứng mới nhất, Bộ Ngoại giao Nga lần nữa tuyên bố Mát-xcơ-va buộc phải thực hiện các bước trả đũa trước hàng loạt “mối đe dọa” đang nổi lên đối với an ninh quốc gia. Trong cuộc họp báo trước đó, phát ngôn viên Ðiện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Phần Lan đã thực hiện “các bước không thân thiện” chống lại Nga và phản ứng của Mát-xcơ-va phụ thuộc vào cách tiếp cận của NATO đối với đường biên giới Nga.
Theo giới phân tích, khả năng xung đột giữa Nga và hai quốc gia Bắc Âu là khó xảy ra khi Mát-xcơ-va còn bị ràng buộc ở Ukraine. Thay vào đó, Phần Lan nên cảnh giác trước các cuộc tấn công mạng trong khi Thụy Ðiển có thể đối mặt chiến dịch tuyên truyền về lịch sử một bộ phận người dân nước này từng gia nhập Ðức Quốc xã chống Liên Xô. Trong bối cảnh này, một số chuyên gia cho rằng đồng minh của cả hai có thể xem xét hỗ trợ bằng cách triển khai một số khí tài quân sự ở Biển Baltic trong giai đoạn chờ quá trình phê chuẩn để chính thức gia nhập NATO.
Ý nghĩa và thách thức mới cho NATO
Theo Giám đốc chính sách Harry Nedelcu tại Công ty tư vấn chiến lược quốc tế Rasmussen Global, việc Phần Lan và Thụy Ðiển gia nhập NATO trước tiên sẽ gởi thông điệp chính trị tới nước láng giềng Nga, sau nữa là giúp liên minh quân sự phương Tây tăng cường đáng kể sự hiện diện ở khu vực Baltic. Hiện NATO có đường biên giới trên bộ dài 1.215km với Nga và khi Phần Lan tham gia, con số đó sẽ tăng lên 2.600km. Kinh nghiệm và năng lực quốc phòng thực sự của hai quốc gia Bắc Âu cũng là lợi thế đối với khả năng răn đe của NATO trong khu vực.
Cùng với lợi ích về chính trị và quân sự, nhà phân tích cấp cao Robert Dalsjo của NATO tại Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Ðiển cho rằng liên minh trước đó không xây dựng được thế trận vững chắc ở phía Ðông. Vì vậy, thách thức lớn đối với NATO hiện nay không phải việc Thụy Ðiển và Phần Lan gia nhập sớm hay muộn mà là làm thế nào đối phó với tác động của cuộc chiến ở Ukraine khi nó đang thúc đẩy nhiều quốc gia xem xét chấm dứt chính sách trung lập như một cách tiếp cận khả thi để bảo vệ an ninh quốc gia. Theo dự đoán của giới quan sát, một trật tự an ninh mới sẽ xuất hiện ở châu Âu và sự chia rẽ ngày càng sâu sắc trong nội bộ khu vực có nguy cơ đưa thế giới trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
EU dành 195 tỉ USD cho kế hoạch thay thế nguồn nhiên liệu nhập từ Nga
Ủy ban châu Âu (EC) đã lên kế hoạch chi 195 tỉ euro để tiến tới dừng nhập khẩu nhiên liệu từ Nga vào năm 2027. Kế hoạch này kết hợp 2 trụ cột gồm đẩy nhanh triển khai sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng; đẩy nhanh tìm kiếm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên thay thế Nga.