 |
Thủ tướng Papandreou (bìa phải) trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo EU và IMF trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G-20 ngày 2-11. Ảnh: AP |
Sau vài ngày gây ra cú sốc lớn trong chính giới châu Âu và làm chao đảo thị trường tài chính khu vực cũng như trên thế giới, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đã tuyên bố rút lại kiến nghị tổ chức trưng cầu ý dân về gói cứu trợ mới của Liên minh châu Âu (EU) dành cho Athens hôm 26-10. Hy Lạp vì vậy vẫn tiếp tục ở lại Khu vực đồng euro (Eurozone), nhưng ông Papandreou sẽ phải ra đi...
Thủ tướng Papandreou (bìa phải) trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo EU và IMF trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G-20 ngày 2-11. Ảnh: APPhát biểu trong cuộc họp với các thành viên đảng Xã hội cầm quyền ngày 3-11, ông Papandreou cho biết nước này sẽ không cần cuộc trưng cầu ý dân bởi đảng Dân chủ Mới đối lập đã lần đầu tiên lên tiếng ủng hộ gói thỏa thuận cứu trợ mới của EU. Để có được sự hậu thuẫn này, đảng Dân chủ Mới sẽ trở thành một nhà “đồng đàm phán” của chính phủ với EU và ông Papandreou sẽ đệ đơn xin từ chức nếu vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của quốc hội vào ngày 4-11. Một nguồn tin thân chính phủ đánh giá sự ra đi “lặng lẽ và văn minh” của ông Papandreou sẽ giúp một chính phủ đoàn kết mới ra đời mà trong đó đảng Xã hội vẫn đảm bảo điều hành đất nước. Bộ trưởng Tài chính Evangelos Venizelos cho hay cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của quốc hội lần này đối với gói cứu trợ của EU cần phải có ít nhất 180 trên 300 đại biểu tán thành, thay vì chỉ cần quá bán 151 ghế như trước đây. Không có sự ủng hộ của đảng Dân chủ Mới thì chính phủ sẽ bị mất tín nhiệm và gói cứu trợ đó sẽ bị vô hiệu.
Theo các nhà phân tích, việc ông Papandreou chấp nhận từ chức để đổi lấy sự ủng hộ của giới nghị sĩ nước này đối với gói cứu trợ của EU cũng có sức ép lớn từ giới lãnh đạo châu Âu. Trong cuộc họp tối 2-11 tại Pháp, lãnh đạo một số nước châu Âu dọa rằng Hy Lạp sẽ không được giải ngân thêm một xu nào nữa cho tới khi nước này sớm quyết định số phận của mình trong Eurozone. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nêu rõ: “Chúng tôi muốn Hy Lạp ở lại Eurozone nhưng không thể hy vọng vào điều này nếu bản thân Athens không mong muốn. Chúng tôi muốn bảo vệ và không thể chấp nhận sự tan rã của đồng euro và châu Âu”. Thậm chí, người phát ngôn Ủy ban châu Âu Karolina Kottova cho rằng theo quy định của EU, nếu Hy Lạp quyết định rời khỏi Eurozone thì nước này đồng thời phải ra khỏi “mái nhà chung châu Âu”.
Cuộc khủng hoảng tài chính của Hy Lạp cũng đã trở thành chủ đề trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại thành phố Cannes của Pháp trong hai ngày 3 và 4-11. Dù nền kinh tế Hy Lạp chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng GDP của Eurozone, nhưng các đại biểu cho rằng cuộc khủng hoảng trầm trọng tại nước này có thể “lây nhiễm” ra toàn châu lục. Do đó, G20 hy vọng các nước có nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào như Trung Quốc sẽ đóng góp vào Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) trị giá 1.000 tỉ euro. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì hy vọng có thể tăng gấp đôi ngân sách chống khủng hoảng từ nhiều nguồn trị giá 950 tỉ USD hiện nay. Các nền kinh tế mới nổi cam kết thúc đẩy thị trường nội địa để giảm xuất khẩu, còn Mỹ hứa cải cách chính sách thuế, việc làm và giảm nợ công. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuyên bố cắt giảm lãi suất từ 1,5% xuống còn 1,25%.
ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)