21/08/2019 - 18:30

Ông Trump muốn Nga trở lại G8 

Đúng như giới quan sát dự đoán, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 20-8 đã lên tiếng về khả năng khôi phục Nhóm 8 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G8) bằng việc để Nga trở lại khối.

Bình luận của nhà lãnh đạo Mỹ được đưa ra chỉ vài ngày trước khi Hội nghị thượng đỉnh G7 khai mạc tại thành phố Biarritz, Pháp. Thành lập vào năm 1975, thành viên G7 gồm các nước Anh, Đức, Pháp, Ý, Nhật Bản, Canada và Mỹ. Sau khi kết nạp Nga vào năm 1998, nhóm này trở thành G8 rồi lại quay về G7 năm 2014 sau khi Mỹ và đa số các nước còn lại nhất trí tước tư cách thành viên của Mát-xcơ-va liên quan vụ sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine.

Nhắc lại sự kiện này, ông Trump một mặt công kích cựu Tổng thống Barack Obama khi nói rằng người tiền nhiệm muốn đẩy Mát-xcơ-va ra khỏi nhóm vì “không hơn” được Tổng thống Nga Vladimir Putin. “Tôi đoán Tổng thống Obama vì thấy ông Putin trội hơn nên nghĩ rằng sẽ không tốt nếu Nga hiện diện trong nhóm. Vậy nên ông ấy đã muốn Mát-xcơ-va bị loại” - chủ nhân Nhà Trắng nhận xét. Đồng thời, nhà lãnh đạo Mỹ lặp lại đề nghị Nga tái gia nhập khi cho rằng mọi chuyện “sẽ hợp lý hơn” với sự có mặt của Mát-xcơ-va trong nhóm bởi phần lớn vấn đề các bên thảo luận đều liên quan xứ sở bạch dương.

Tổng thống Trump (phải), bên cạnh là Thứ trưởng Ngoại giao Sullivan. Ảnh: AP

Trong khi đó, CNN dẫn lời một quan chức Nhà Trắng cấp cao tiết lộ chính Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề nghị mời Nga tham dự thượng đỉnh G7 lần tới, sẽ được tổ chức tại Mỹ vào năm 2020. Hai nhà lãnh đạo Pháp-Mỹ đã thống nhất ý kiến trên trong cuộc điện đàm gần đây và Tổng thống Trump nhiều khả năng sẽ đề cập với các nước thành viên khác khi họ nhóm họp tại Pháp vào cuối tuần này. Một số người cho rằng đây là tính toán của Điện Élysée tại thời điểm Paris đang muốn bình thường hóa quan hệ với Mát-xcơ-va. Nhưng điều này cũng phù hợp với quan điểm của ông Trump bởi đây không phải là lần đầu ông ngỏ ý muốn Nga trở lại nhóm các nước công nghiệp tiên tiến. Tổng thống Trump thỉnh thoảng cũng từng lên tiếng kêu gọi xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga dù Nhà Trắng vẫn đang thắt chặt các biện pháp chế tài nhắm vào nước này.

Hoãn thăm Đan Mạch do không mua được Greenland

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20-8 tuyên bố ông sẽ hoãn cuộc gặp vốn đã được lên kế hoạch với Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen do bà không quan tâm đến việc thảo luận việc bán đảo Greenland cho Mỹ.

Trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Trump nêu rõ: “Dựa trên những bình luận của Thủ tướng Mette Frederiksen, rằng bà ấy không quan tâm tới việc bán Greenland, tôi sẽ hoãn cuộc gặp được lên kế hoạch trong hai tuần tới sang một thời điểm khác”.

Tổng thống Trump luôn để ngỏ khả năng Mỹ sẽ mua lại đảo Greenland của Đan Mạch dù khẳng định “thương vụ này không phải là ưu tiên hàng đầu của Washington”.

Về phần mình, Thủ tướng Frederiksen cho rằng tham vọng của Tổng thống Trump là vô lý, đồng thời khẳng định “Greenland không phải để bán”.

Tổng thống Trump dự kiến sẽ thăm Đan Mạch vào cuối tháng 8 trong chuyến công du tới châu Âu.

rong diễn biến liên quan, một quan chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump dự kiến đề cử Thứ trưởng Ngoại giao John Sullivan làm đại sứ Mỹ tại Nga, thay cho Jon Huntsman. Lấy lý do muốn về nhà để “kết nối liên lạc với gia đình”, ông Huntsman đã đệ đơn từ chức hôm 6-8 và quyết định này sẽ có hiệu lực vào ngày 3-10. Huntsman lãnh đạo đại sứ quán Mỹ ở Mát-xcơ-va từ năm 2017 nhưng phải đối mặt với lời kêu gọi từ chức sau Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Putin tại Helsinki (Phần Lan) trong bối cảnh dư luận xứ cờ hoa vẫn còn hoài nghi khả năng Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Trong đơn từ chức, ông Huntsman đề nghị Tổng thống Trump duy trì quan điểm cứng rắn với Mát-xcơ-va và buộc họ phải chịu trách nhiệm trước các hành vi “đe dọa an ninh Mỹ và các nước đồng minh”.

Trong khi đó, ông chủ Nhà Trắng trước câu hỏi về việc bổ nhiệm một trong  những vị trí đại sứ quan trọng nhất, cho biết Thứ trưởng Sullivan là người rất được tôn trọng cũng như hòa hợp với Ngoại trưởng Mike Pompeo. Tuy nhiên, theo tiết lộ của hai nguồn tin, ông Sullivan tuy được yêu thích ở Bộ Ngoại giao nhưng không thuộc các nhân vật thân cận bên cạnh Ngoại trưởng Mỹ. Dẫu vậy, cả ông Pompeo lẫn Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton đã hỗ trợ ông Sullivan dù vị thứ trưởng này bị cho không phải chuyên gia về Nga. Theo các nguồn tin, hai nhân vật hàng đầu Nhà Trắng thừa nhận đại sứ Mỹ tại Nga là một vai trò đầy thách thức nhưng không phải mang ý nghĩa cốt yếu trong chính quyền hiện nay.

MAI QUYÊN (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Ông TrumpG8