06/07/2009 - 09:13

Nước Mỹ tưng bừng kỷ niệm ngày Quốc khánh

Bắn pháo hoa trên sông Hudson mừng Quốc khánh Mỹ.
Ảnh: Reuters

Iraq yêu cầu Mỹ không can thiệp vào công việc nội bộ

(TTXVN)- Nước Mỹ đã kỷ niệm Ngày Quốc khánh lần thứ 233 (4/7/1776-4/7/2009) trong màn pháo hoa rực rỡ cùng những hoạt động lễ hội tưng bừng. Hàng trăm nghìn du khách hòa cùng người dân địa phương đổ về tham dự màn bắn pháo hoa và lễ nhạc hội, được mở đầu với lễ diễu binh trên Đại lộ Constitution. Lần đầu tiên trong 18 năm qua, một lễ diễu binh đã được tổ chức tại quận lịch sử Philadelphia, nơi bản tuyên ngôn của nước Mỹ được đọc vào ngày 4-7-1776.

Trong màn trình diễn pháo hoa lớn nhất nước, hơn 22 tấn pháo hoa đã được đưa tới khu vực sông Hudson ở New York. Đây là lần đầu tiên kể từ sau các vụ tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11-9-2001, màn trình diễn pháo hoa diễn ra trên sông Hudson chứ không phải sông Đông (East River). Và cũng lần đầu tiên kể từ đó, tượng Nữ thần Tự do đã được mở cửa trở lại cho du khách tham quan.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mục tiêu quan trọng chưa thực hiện được khiến nước Mỹ trăn trở. Nỗi lo về kinh tế đã tạm thời bị gác lại, nhưng nổi lên là trách nhiệm của chính phủ Mỹ về cuộc chiến tại Iraq và những hậu quả mà đất nước Trung Đông giàu dầu mỏ này đang phải gánh chịu.

Tại Nhà Trắng, trước khoảng 1.200 thân nhân các binh sĩ tới tham dự lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh, Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận Iraq sẽ đối mặt với những ngày tháng khó khăn sau khi lực lượng Mỹ chuyển giao quyền kiểm soát các thành phố và thị trấn của Iraq về tay chính phủ nước này. Ông Obama nhấn mạnh tương lai của Baghdad giờ đây phụ thuộc vào những công dân nước này và cam kết nước Mỹ sẽ vẫn là một đối tác lớn vì lợi ích an ninh và thịnh vượng của Iraq.

Ngày 4-7, Iraq đã yêu cầu Mỹ chấm dứt các hoạt động mà Mỹ cho là để “giải quyết những bất đồng phe phái ở Iraq”, đồng thời cho rằng sự can thiệp của Mỹ có thể còn khiến cho mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn. Bức thông điệp này được đưa ra vào lúc Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden đang ở thăm Iraq. Ông Biden đã nhiều lần tỏ ý lo ngại về mâu thuẫn gay gắt lâu đời giữa các cộng đồng theo dòng Shiite, Sunni và Kurd ở Iraq gây trở ngại cho tiến triển chính trị ở nước này.

Đề cập tiến trình hòa giải dân tộc ở Iraq, người phát ngôn chính phủ Iraq Ali al-Dabbagh nêu rõ: “Chúng tôi không muốn các nước khác can thiệp vào vấn đề này vì điều đó chỉ càng làm cho tình hình Iraq trở nên phức tạp hơn. Các phe phái ở Iraq muốn cùng nhau tự giải quyết những bất đồng còn tồn tại”.

Chia sẻ bài viết