Chính phủ và Quốc hội Mỹ đang bước vào giai đoạn đàm phán "nước rút" trước khi chính sách miễn giảm thuế được áp dụng từ thời cựu Tổng thống George Bush hết hiệu lực vào cuối năm nay. Tuy nhiên, Tổng thống Barack Obama đang đối diện với cái gọi là "bức tường", hay "vách đá tài chính" do phe Cộng hòa dựng lên nhằm gây áp lực buộc các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ phải chấp nhận thỏa hiệp, chia sẻ lợi ích chính trị.
Để chuẩn bị cho cuộc họp Quốc hội Mỹ sắp tới, Tổng thống Obama ngày 29-11 đã có cuộc gặp ông Mitt Romney để thuyết phục cựu ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa này không lên tiếng chống đối các chính sách của Nhà Trắng vì lợi ích quốc gia. Ông Obama ngày 30-11 dự kiến cũng sẽ có các cuộc tiếp xúc với cử tri Mỹ tại bang Pennsylvania nhằm vận động sự ủng hộ của nhân dân về chính sách mới của chính phủ và qua đó tạo áp lực lên các ông nghị phe đối lập. Trước đó hôm 28-11, ông chủ Nhà Trắng và giới thủ lĩnh cấp cao đảng Dân chủ cùng với một số thành viên cộm cán của đảng Cộng hòa đã có cuộc gặp riêng với các tổng giám đốc điều hành của 14 tập đoàn kinh tế lớn như Golman Sachs, Home Depot, Marriot, Coca-Cola, Pfizer và Yahoo! để thảo luận tình hình tài chính, thuế má của đất nước.
 |
Tổng thống Obama (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner (phải) trong cuộc đối đầu gay cấn quanh “bức tường tài chính”. Ảnh: AP |
Cũng trong ngày 29-11, theo yêu cầu của ông Obama, Bộ trưởng Tài chính Tim Geithner và nhà cố vấn lập pháp hàng đầu Rob Nabors đến Đồi Capitol để tiến hành một loạt cuộc đối thoại với các lãnh đạo cấp cao trong Quốc hội Mỹ.
Kết quả bước đầu cho thấy một số thành viên quan trọng của đảng Cộng hòa, trong đó nổi bật là Hạ nghị sĩ Tom Cole đến từ bang Oklahoma đã tuyên bố sẵn sàng chấp nhận các đề xuất tài chính của Tổng thống Obama. Hãng tin Anh Reuters cho biết, giới lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu của nước Mỹ cũng đã bày tỏ sự hậu thuẫn của họ về kiến nghị tăng thuế đối với những người giàu. Giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ đã vài lần viết thư thúc giục Nhà Trắng và Đồi Capital phải nhanh chóng giải quyết đồng thời nhằm sớm thông qua ngân sách tài khóa mới để họ có thời gian chuẩn bị kế hoạch đầu tư, sản xuất cho phù hợp.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner đã cực lực bác bỏ phát biểu của ông Cole, cho rằng tuyên bố của ông Cole không đại diện cho quan điểm của đảng Cộng hòa. Ông Boehner khẳng định đảng Cộng hòa vẫn bảo lưu lập trường phản đối mọi kế hoạch tăng thuế của chính phủ, điều mà ông nhấn mạnh có thể "làm tổn hại đến giới doanh nghiệp nhỏ và đà tăng trưởng của nền kinh tế đất nước".
Theo quy định, nếu Chính phủ và Quốc hội Mỹ không đạt thỏa thuận về chính sách thuế mới thì mặc nhiên tất cả người dân nước này, dù thượng lưu hay trung lưu, đều phải nộp thuế cao hơn sau thời hạn miễn giảm thuế vào cuối năm nay. Trong khi đó, ông Obama muốn tiếp tục giảm thuế cho tầng lớp có thu nhập dưới 250.000 USD/năm, nhưng tăng thuế đối với người có thu nhập cao hơn vốn chiếm khoảng 2% dân số Mỹ. Đảng Cộng hòa thì muốn giữ nguyên chính sách giảm thuế hoặc tất cả phải cùng tăng. Hiện nay, các cố vấn tài chính của đảng Cộng hòa cho biết đảng này muốn có thỏa hiệp cuối cùng chỉ tăng thuế cho những đối tượng có thu nhập từ 500.000 USD đến 1 triệu USD/năm.
Ngoài ra, hai bên còn đang đấu tranh gay gắt xung quanh việc cắt giảm ngân sách cho các chương trình chăm sóc y tế và an sinh xã hội, số tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, mức phí đóng bảo hiểm y tế, mức trần nợ công quốc gia
Từ lâu, cuộc đối đầu giữa hai phe Dân chủ và Cộng hòa trong nghị trường nước Mỹ xung quanh ngân sách tài chính quốc gia luôn quyết liệt và ngày càng căng thẳng dưới thời nhà lãnh đạo gốc Phi. "Bức tường" hay còn gọi là "vách đá tài chính" đã coi như không thể sụp đổ, tức bất phân thắng bại, từ cách đây 18 tháng, và giờ đây nước Mỹ lại đang đối diện với khả năng lâm vào thế bế tắc ngân sách khi mùa Giáng sinh và năm mới đang cận kề.
ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)