11/09/2020 - 13:30

Nông dân Ấn Ðộ lao đao trong đại dịch 

Trang trại phá sản và chìm trong nợ nần là nguyên nhân dẫn đến cảnh khốn cùng của nông dân Ấn Độ trong nhiều thập kỷ qua. Song, các chuyên gia thấy rằng sự đau khổ của họ đã đạt cấp độ mới trong đại dịch COVID-19.

Nông dân Ấn Độ cấy lúa giữa mùa dịch. Ảnh: NYT

Từ cuối tháng 3 khi Ấn Ðộ ban hành một trong những lệnh phong tỏa được cho là nghiêm ngặt nhất thế giới để ngăn chặn sự lây lan của virus Corona, đời sống của nông dân càng thêm khốn đốn. Chẳng hạn, trang trại rộng khoảng 0,4 héc-ta của ông Randhir Singh chỉ sản xuất ra lượng bông đủ để trang trải chi phí trồng nó. Lệnh phong tỏa thậm chí còn cướp đi nghề tay trái của ông là tài xế xe buýt. Gia đình cho biết, sau khi lệnh phong tỏa được gia hạn lần thứ 3, Singh tin rằng sẽ không bao giờ thoát được số nợ lên tới 20.000USD mà ông vay mượn trong nhiều năm để duy trì hoạt động của trang trại. Và đầu tháng 5 vừa qua, ông đã tự kết liễu đời mình bằng cách nằm trên đường ray xe lửa. “Những gì chúng tôi lo sợ đã diễn ra. Lệnh phong tỏa phòng chống COVID-19 của chính phủ đã giết chết cha tôi” - Rashpal Singh, con trai 22 tuổi của ông Singh, nghẹn ngào khóc khi nghĩ về cha.

Ðược biết, cách đây 20 năm, cha của ông Singh đã uống thuốc trừ sâu khi vướng khoản nợ 26.700USD. Chị của ông sau đó tự kết liễu đời mình vì gia đình không trang trải nổi chi phí đám cưới của bà. Còn năm 2016, con trai của ông Singh cũng đã quyên sinh khi cánh đồng bông của anh bị đom đóm phá hoại. Chỉ riêng tại làng Sirsiwala, bang Punjab - quê nhà của ông Singh, tháng nào cũng có một vụ nông dân tự tử.

Còn tại làng Akanwali gần đó, Leela Singh do lo sợ trang trại bị tịch thu nên đã tìm cách vay 100USD để trang trải. Do không thể xoay xở được, ông này hồi tháng 6 đã treo cổ tự tử.

Ấn Ðộ là một trong những quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới. Theo số liệu thống kê của Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia Ấn Ðộ, nước này năm 2019 ghi nhận tổng cộng 10.281 vụ nông dân và lao động trang trại tự sát, so với 10.349 và 10.655 vụ hồi năm 2018 và 2017. Theo các nhà hoạt động xã hội, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như gánh nặng nợ nần, chính sách yếu kém của chính phủ, mất mùa, các vấn đề cá nhân và gia đình.

Chỉ riêng tại Punjab, số vụ nông dân tự sát đã tăng gấp 12 lần trong vòng 5 năm qua. Mỗi ngày, từ 3-4 vụ tự tử ở trang trại tại đây được ghi nhận. Theo Thời báo New York (Mỹ), những cánh đồng xanh tươi tại Punjab trải dài đến tận chân trời đã che giấu tình trạng nợ nần chồng chất của nông dân. Vào những năm 1960, chính phủ giới thiệu các giống lúa và lúa mì năng suất cao, giúp Ấn Ðộ tự túc được nguồn lương thực. Song, trong những năm qua, mực nước ngầm đã giảm nghiêm trọng. Do đó, những người nông dân nỗ lực cứu mùa màng đã đào giếng ngày càng sâu. Và để chống lại sự tấn công của sâu bệnh, họ không ngừng sử dụng thuốc hóa học. Chi phí nông nghiệp tăng vọt khiến nhiều nông dân phải gánh thêm nợ, trong khi mùa màng liên tục thất bát đã hủy hoại nhiều thế hệ gia đình ở
nông thôn.

Ấn Độ hiện dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm COVID-19 mới hàng ngày và có số ca mắc SARS-CoV-2 cao thứ hai toàn cầu, chỉ sau Mỹ. Tại bang Punjab, nơi có số ca nhiễm virus Corona tăng đột biến trong những ngày gần đây, lệnh phong tỏa được tái áp đặt. Các nhà kinh tế cho biết, biện pháp này đang đẩy hàng triệu hộ gia đình vào cảnh nghèo đói và góp phần gây ra thảm kịch, đó là số vụ nông dân tự sát ngày càng gia tăng. Vikas Rawal, Giáo sư kinh tế tại Đại học Jawaharlal Nehru ở thủ đô New Delhi, tin rằng hàng ngàn người sống và làm việc tại các trang trại rất có thể đã tự sát trong vài tháng qua.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết