24/01/2017 - 10:03

Những "bóng hồng" quyền lực

Năm qua, danh sách những người phụ nữ quyền lực nhất trên chính trường thế giới được nối dài thêm với sự góp mặt của lãnh đạo Ðài Loan Thái Anh Văn, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada và Thủ tướng Anh Theresa May. Họ cùng với nhiều nhà lãnh đạo nổi tiếng khác như Thủ tướng Ðức Angela Merkel, Tổng thống Chile Michelle Bachelet, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg... tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của thế giới, đấu tranh cho một thế giới bình đẳng hơn giữa nam và nữ.

Tomomi Inada - "hoa hồng gai" của Nhật Bản

Tomomi Inada được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản trong cuộc cải tổ nội các của Thủ tướng Shinzo Abe hồi tháng 8-2016. Chính trị gia 58 tuổi này nổi tiếng là nhân vật cứng rắn.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada. Ảnh: Reuters

Inada là ái nữ của nhà giáo Yasuo Tsubakihara, nổi tiếng nghiêm khắc ở tỉnh Fukui, miền Trung Nhật Bản. Bà thể hiện cá tính độc lập từ rất sớm. Không dựa vào sự sắp đặt của cha, bà theo học Luật tại Đại học Waseda ở Tokyo, thay vì ở trường đại học gần quê nhà thời thơ ấu ở Kyoto. Bà cũng không nghe theo lời khuyên của cha khi quyết định kết hôn với Ryuji, cựu sinh viên Đại học Waseda. Khi biết con gái theo con đường chính trị, ông Yasuo Tsubakihara đã phản đối dữ dội. "Tôi giận dữ và đã khóc. Thậm chí, tôi còn tuyên bố sẽ cắt đứt quan hệ với đứa con gái này"-ông Tsubakihara tiết lộ điều này vào năm 2010. Sau đó, ông cười và nói thêm rằng: "Nhưng nó cứng đầu như tôi ấy mà".

Ít ai biết rằng bà Inada bắt đầu sự nghiệp chính trị từ năm 46 tuổi, khi thắng cử nghị sĩ và sau đó trở thành Giám đốc chính sách của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, rồi làm Bộ trưởng về cải cách hành chính. Bà từng là người duy nhất trong ban lãnh đạo đảng đối đầu ông Abe trong cuộc bầu cử chủ tịch đảng. Nỗ lực bất thành, nhưng bà trở thành biểu tượng mới của người phụ nữ kiên định biết bảo vệ ý kiến của mình.

Bà có nhiều quan điểm chung với Thủ tướng Abe, trong đó có các vấn đề như sửa đổi hiến pháp thời hậu chiến, lo ngại về mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên và chính sách bành trướng của Trung Quốc. Ngay sau khi nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, bà Inada đã yêu cầu tăng ngân sách quốc phòng để đối phó các hoạt động quân sự của Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Bà Inada nhấn mạnh: "Nếu cộng đồng quốc tế im lặng trước những hành vi đi ngược lại quy tắc chung thì thế giới sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng".

Thái Anh Văn - "Angela Merkel" của Ðài Loan

Trái với vẻ ngoài mềm yếu, lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn là một nữ chính trị gia quyết đoán và có hiểu biết rất sâu rộng. Bà là con út trong một gia đình 9 người con. Bà tốt nghiệp Đại học Đài Loan chuyên ngành luật, sau đó học thạc sĩ tại Đại học Cornell (Mỹ), rồi lấy học vị tiến sĩ luật tại trường Kinh tế học Luân Đôn (Anh).

Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Ảnh: Guardian

Sau khi rời Luân Đôn năm 1984, bà Thái trở về Đài Loan và giảng dạy tại các trường đại học ở thành phố nơi bà lớn lên. Đến đầu những năm 1990, bà gia nhập chính quyền Đài Loan, giữ vai trò nhà đàm phán thương mại chính trong quá trình đưa vùng lãnh thổ này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Năm 2000, bà Thái trở thành lãnh đạo Hội đồng các vấn đề đại lục, chuyên trách xử lý mối quan hệ với chính quyền Bắc Kinh. Học giả hướng nội 60 tuổi này được nhiều người yêu mến so sánh với Thủ tướng Đức Angela Merkel bởi "rất quyết đoán và ủng hộ một xã hội cởi mở".

Bà Thái cam kết sẽ thúc đẩy nền kinh tế đang gặp khó khăn của Đài Loan bằng cách đa dạng hóa quan hệ thương mại, xử lý tình trạng thất nghiệp cũng như khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng, đồng thời tuyên bố sẽ tìm cách "tái định hình" quan hệ với Bắc Kinh.

Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo bà Thái Anh Văn rằng chớ nên có bất kỳ động thái nào theo hướng đòi độc lập. Trong khi đó, bà Thái thể hiện quan điểm rõ ràng rằng Bắc Kinh phải tôn trọng nền dân chủ của Đài Loan.

Theresa May - "Bà đầm thép thứ 2" của nước Anh

Với kinh nghiệm và bản lĩnh chính trị vững vàng, Thủ tướng Anh Theresa May là một trong những nữ chính trị gia nổi bật tại châu Âu, đồng thời được mệnh danh là "bà đầm thép thứ 2" của xứ sở sương mù (sau nữ Thủ tướng đầu tiên của nước Anh là Margaret Thatcher - "bà đầm thép" của giai đoạn 1979-1990).

Vợ chồng bà Theresa May. Ảnh: Inquirer

Cũng như bà Margaret Thatcher, Thủ tướng Theresa May là một chính trị gia cứng rắn và đam mê công việc. Sau khi tốt nghiệp tại Trường Đại học Oxford (năm 1977), bà dành 20 năm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng. Bà chính thức dấn thân vào chính trường cuối thập niên 1980.

Năm 1997, bà được bầu làm thành viên Quốc hội, rồi sau đó trở thành nữ Chủ tịch đầu tiên của đảng Bảo thủ vào năm 2002 - thời điểm đảng này giữ vai trò đảng đối lập dưới thời Thủ tướng Tony Blair. Bà được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nội vụ hồi năm 2010 và cũng là Bộ trưởng Nội vụ tại vị lâu nhất (liên tục 6 năm) tại Anh trong vòng 50 năm qua.

Bà May lên thay thế ông David Cameron dẫn dắt nước Anh giữa lúc "dầu sôi lửa bỏng", khi nội tình chính trị chia rẽ sâu sắc sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit (Anh rời khỏi EU). Do vậy, nữ thủ tướng thứ 2 của xứ sở xương mù là người được kỳ vọng có khả năng hóa giải những xung khắc trong nội bộ đảng Bảo thủ, là "thuyền trưởng" giúp đưa đất nước Anh vượt qua những thách thức trong giai đoạn hậu Brexit.

Trong cuộc sống đời thường, nữ thủ tướng Anh đặc biệt nổi tiếng vì phong cách thời trang thanh lịch, tinh tế và về sở thích mang giày cao gót. Bà có niềm đam mê đặc biệt với nấu ăn khi sở hữu hơn 100 cuốn sách dạy nấu ăn các loại và có sở thích đi bộ mỗi khi rảnh rỗi.

Tuy vậy, bà May hiếm khi chia sẻ về cuộc sống hôn nhân với ông Philip May - một nhân vật khá nổi tiếng trong giới ngân hàng Anh. Cặp đôi từng công khai rằng cả hai không thể sinh con, mà một phần vì tình trạng sức khỏe không cho phép của bà May.

TRÍ VĂN - NGUYỆT CÁT (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết