05/12/2021 - 05:59

Nhức nhói vấn nạn tảo hôn tại Afghanistan 

Sự kiện Parwana Malik, 9 tuổi, gần đây đã được trả lại cho gia đình sau khi bị cha bán cho một người đàn ông 55 tuổi một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn tảo hôn tại Afghanistan, quốc gia bị xếp hạng là tồi tệ nhất thế giới đối với phụ nữ dựa theo chỉ số an ninh và hòa bình năm 2021. Trước khi bị bán đi, Parwana cùng cha mẹ và 5 anh chị em khác sống trong chiếc lều thuộc trại dành cho những người di tản nội địa ở thành phố Qala-e-Naw, tỉnh Badghis của Afghanistan.

Parwana vui mừng khi được về lại với gia đình. Ảnh: CNN

Parwana vui mừng khi được về lại với gia đình. Ảnh: CNN

Theo CNN, Parwana bị cha bán để đổi lấy tiền mặt, cừu và đất trị giá 200.000 Afghani (tương đương 2.200USD). “Cha em bán em vì chúng em không còn bánh mì, gạo hay bột mì. Ông ấy bán em cho một ông chú. Họ đối xử tệ với em, họ chửi em, đánh thức em dậy sớm và bắt em phải làm việc” - Parwana nói với CNN. Parwana cho hay khi đó đã khóc suốt ngày đêm, cầu xin cha đừng bán em và bày tỏ mong muốn được đến trường học tập.

Thật may là sau khi bị cộng đồng quốc tế kịch liệt phản đối cùng với sự giúp đỡ của tổ chức phi lợi nhuận “Too Young to Wed (TYTW)” (tạm dịch là: Quá trẻ để kết hôn) có trụ sở tại Mỹ, Parwana đã được trả lại cho gia đình và sống tạm bên căn nhà mới gần đội TYTW. “Giờ đây, em muốn học giỏi để trở thành bác sĩ, từ đó có thể giúp đỡ mọi người” - Parwana tâm sự.

Tuy nhiên, trường hợp của Parwana chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khi mà các gia đình trên khắp Afghanistan đang phải đối mặt với tình trạng kiệt quệ về mặt tài chính tương tự. Dữ liệu quốc gia mới nhất cho thấy, 28% phụ nữ ở Afghanistan kết hôn trước khi đến 18 tuổi và 4% trước khi bước sang tuổi 15. Song, các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ dự đoán sẽ có tới 50% các bé gái tại nước này buộc phải lấy chồng trước tuổi 18 nếu cuộc khủng hoảng hiện thời tiếp tục.

Các huyết mạch kinh tế của Afghanistan đã bị cắt đứt kể từ giữa tháng 8 khi Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước sau khi lực lượng Mỹ và đồng minh rời đi. Hàng tỉ USD tài sản của ngân hàng trung ương bị đóng băng, trong khi các ngân hàng đang cạn dần tiền mặt, còn tiền lương thậm chí không được trả trong nhiều tháng liền. “Cộng đồng quốc tế đang quay lưng khi quốc gia này đứng bên bờ vực thảm họa do con người tạo nên” - Dominik Stillhart, giám đốc điều hành của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế - bình luận. 

Các cơ quan viện trợ cũng như các nhóm nhân quyền, gồm Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cảnh báo rằng những người nghèo nhất của quốc gia Tây Nam Á này đang phải đối mặt với nạn đói khi mùa đông lạnh giá sắp đến. Theo báo cáo gần đây của IPC, tổ chức đánh giá tình trạng mất an ninh lương thực, hơn một nửa trong số khoảng 39 triệu dân Afghanistan sẽ đối mặt với nạn đói khẩn cấp vào tháng 3 năm sau. Báo cáo ước tính, hơn 3 triệu trẻ em Afghanistan dưới 5 tuổi đang bị suy dinh dưỡng cấp tính.

Thế nhưng, ngay cả trước khi Taliban tiếp quản, nạn đói đã hoành hành khắp đất nước nghèo khó này, buộc các cô gái trẻ phải hy sinh, chịu cảnh tảo hôn để lấy tiền nuôi sống gia đình. “Các cô gái trẻ Afghanistan đang trở thành món hàng để đổi lấy thực phẩm. Bởi vì nếu không gia đình họ sẽ chết đói” - Mahbouba Seraj, nhà hoạt động vì quyền phụ nữ hàng đầu Afghanistan, nói với CNN. Theo bà Seraj, một số cô gái trẻ bị ép hôn phải bỏ mạng khi sinh con vì cơ thể các em chưa phát triển đầy đủ.

Mặt khác, nhiều báo cáo cho thấy vấn nạn tảo hôn tại Afghanistan tăng đột biến, một phần là do tình trạng bạo lực trước khi Taliban lên nắm quyền và do tác động của biến đổi khí hậu đối với quốc gia nông nghiệp này. Trong nửa thế kỷ qua, nhiệt độ ở đây đã tăng gần gấp đôi so với mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu, làm tăng tốc độ bốc hơi và dẫn đến hạn hán kéo dài, từ đó làm giảm năng suất cây trồng và khiến nhiều người Afghanistan rơi vào cảnh nghèo đói vì họ không còn khả năng kiếm sống từ mảnh đất của mình.

Một số tổ chức phi chính phủ thậm chí nhận thấy rằng vấn nạn tảo hôn gia tăng tỷ lệ thuận với sự khắc nghiệt của tình trạng hạn hán. Ví dụ, vào năm 2018, đợt hạn hán tồi tệ nhất ở Afghanistan trong vòng một thập niên đã ảnh hướng tới 2/3 diện tích đất nông nghiệp, khiến số người phải rời bỏ nhà cửa còn nhiều hơn số người phải di tản do cuộc xung đột giữa phiến quân Taliban và Chính phủ Afghanistan. Khi đó, một báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) ghi nhận rằng hạn hán đã làm trầm trọng thêm tình trạng tảo hôn, khiến ít nhất 161 trẻ em phải kết hôn sớm.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết